Nhận định cơ hội đối với thị trường hàng không Việt Nam trong năm mới, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết năm 2025 được xác định là năm bản lề để các hãng hàng không trong nước phát triển mạnh mẽ.
Khách nội địa sụt giảm, quốc tế tăng vọt
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông Vận tải vào chiều 30/12, nhìn nhận năm 2024 môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, theo ông Đặng Ngọc Hòa, thị trường hàng không quốc tế tiếp tục xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhưng sức mua tại thị trường nội địa có suy yếu.
Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô và chi phí đầu vào có nhiều diễn biến bất lợi như xung đột chính trị trên thế giới; giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao, các đồng tiền quan trọng có biến động mạnh; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến và vấn đề triệu hồi động cơ khiến giá thuê máy bay, vật tư phụ tùng và chi phí sửa chữa bảo dưỡng tăng cao.
Về tình hình thị trường hàng không đi/đến Việt Nam, tổng khách quốc tế đi đến Việt Nam ước đạt gần 41 triệu, tăng hơn 28% so cùng kỳ, gần về mức trước đại dịch (2019). Tổng thị trường khách nội địa đạt trên 34 triệu khách, giảm 14% so cùng kỳ và giảm 8% so 2019.
“Nguyên nhân chủ yếu do vấn đề thiếu hụt máy bay của các hãng hàng không trong nước cũng sức mua của thị trường có suy yếu,” ông Hòa đánh giá.
Trong bối cảnh này, để đảm bảo các mục tiêu đặt ra từ kế hoạch đầu năm, Vietnam Airlines đã thường xuyên cập nhật thị trường, liên tục rà soát, điều chỉnh sản phẩm trên cơ sở mục tiêu đảm bảo thị phần, hiệu quả, cân đối các vấn đề nguồn lực máy bay và lượt hạ, cất cánh; tiếp tục mở các đường bay mới để đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu suất sử dụng máy bay; kịp thời thuê bổ sung 4 máy bay trong giai đoạn cao điểm Tết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng chủ động thay đổi phương thức xây dựng và điều hành lịch bay, phát triển thêm các sản phẩm khai thác vào khung giờ tận dụng máy bay, qua đó tối ưu hóa sản phẩm mạng bay, tăng hiệu suất sử dụng đội tàu. Giờ khai thác bình quân đạt 11 giờ/tàu/ngày, tăng 25% so cùng kỳ và tăng 7% so 2019; tăng cường hiệu quả công tác điều hành giá, chỗ, giúp tăng hệ số sử dụng ghế toàn mạng bay.
Với các giải pháp này, mạng đường bay của Vietnam Airlines về cơ bản đã phục hồi hoàn toàn và có tăng trưởng so với giai đoạn trước dịch, với 58 đường bay quốc tế đến 30 điểm đến trên 18 quốc gia và có 38 đường nội địa đến 22 điểm đến.
Tổng số chuyến bay đạt gần 140.000 chuyến, tăng hơn 7% so cùng kỳ, phục hồi 95% so 2019. Số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt ước đạt gần 23 triệu khách, tăng gần 8% so cùng kỳ, gần như phục hồi hoàn toàn so 2019 (trên 99%). Doanh thu Công ty mẹ ước đạt trên 84.400 tỷ đồng và đã hoàn thành mục tiêu cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2024.
Cần cơ chế đưa hàng không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cho rằng môi trường kinh doanh năm 2025 tiếp tục có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, theo ông Hòa, các khó khăn của năm 2024 vẫn còn và chưa có nhiều tín hiệu cải thiện như tình hình chính trị trên thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, yếu tố đầu vào như tỷ giá và giá nhiên liệu ở mức cao, khó khăn về động cơ và phụ tùng vật tư.
Về thị trường hàng không Việt Nam, sản lượng khách vận chuyển dự kiến tiếp tục tăng trưởng tốt so cùng kỳ. Khách tổng thị trường quốc tế dự kiến đạt trên 45 triệu khách, tăng trên 11% so cùng kỳ. Khách tổng thị trường nội địa dự báo đạt gần 36 triệu khách, tăng trên 5% so cùng kỳ.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu năm 2025 với tổng số chuyến bay đạt trên 156.000 chuyến, tăng trên 12% so cùng kỳ; số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt trên 25 triệu khách, tăng 12% so cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển đạt 336.300 tấn, tăng 10% so cùng kỳ.
Doanh thu Công ty mẹ ước đạt trên 95.600 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ và Tổng công ty đặt mục tiêu có hiệu quả vượt mức so 2024 và so với kế hoạch 5 năm đã báo cáo tại đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Để có thể hoàn thành các mục tiêu trên, Vietnam Airlines kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng không trong sự kết nối với các ngành khác như du lịch, khách sạn, dịch vụ, giao thông đường bộ… đi kèm với các chương trình phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cần được xây dựng để xây dựng ngành hàng không trở thành mũi nhọn, kết nối với các ngành khác.
Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế thông thoáng, đơn giản để hỗ trợ Vietnam Airlines và các doanh nghiệp trong ngành triển khai nhanh chóng tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; tiếp tục nới lỏng hơn nữa các chính sách về xuất nhập cảnh, theo đó, bổ sung các nước được miễn thị thực nhập cảnh, đặc biệt các thị trường lớn nhiều tiềm năng như Mỹ, Australia, Ấn Độ,…
“Vietnam Airlines sẽ liên tục triển khai quyết liệt các giải pháp tự thân như đã báo cáo tại nhiều văn bản để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì thị phần, đảm bảo các chỉ số an toàn, dịch vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025,” Chủ tịch Vietnam Airlines quả quyết./.