Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, chiều 21/1, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Hạ viện Maroc Rachid Talbi El Alami.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn Hạ viện Maroc cũng như cá nhân Chủ tịch Rachid Talbi El Alami dẫn đầu Đoàn đại biểu Hạ viện Maroc tham dự Diễn đàn hợp tác Nghị viện Pháp ngữ và Hội nghị Ban Chấp hành APF do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. Điều này thể hiện sự trân trọng và đánh giá cao của Hạ viện Maroc trong quan hệ với Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Chủ tịch Hạ viện Maroc. Thông qua Chủ tịch Hạ viện Rachid Talbi El Alami, Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời chúc sức khỏe tới Nhà vua, Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện Maroc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Maroc tại khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Maroc đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, năng lượng tái tạo, sản xuất ôtô và chuẩn bị đăng cai Cúp Bóng đá châu Phi trong năm 2025.
Chủ tịch Hạ viện Maroc Rachid Talbi El Alami cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dành thời gian tiếp; khẳng định Maroc luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình.
Nhân dịp này, ông Rachid Talbi El Alami cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Maroc trở thành quan sát viên của Hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); nhấn mạnh Maroc luôn coi Việt Nam là “cửa ngõ” để đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước châu Á cũng như các nước trong khu vực ASEAN.
Chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới, duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với các nước, Chủ tịch Hạ viện Rachid Talbi El Alami cho rằng, Việt Nam-Maroc có nhiều nét tương đồng về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay; hai quốc gia có nền chính trị ổn định là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi nước; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4700 USD trong khi của Maroc khoảng 4000 USD.
Trên cơ sở này, ông Rachid Talbi El Alami mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Hạ viện Maroc đã thông tin tới Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về tình hình kinh tế-xã hội, công tác đối ngoại, tiềm năng, dư địa hợp tác của Maroc với các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam; khẳng định Maroc sẽ là “cầu nối” để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào Không Liên kết, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Maroc và các nước ASEAN.
Cho rằng hợp tác thương mại hiện còn khiêm tốn so với tiềm năng mỗi nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên thúc đẩy các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm hiểu cơ hội, thị trường tại mỗi nước, hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh như hóa chất, phân bón, nông sản, dệt may…; trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất, phát triển các chuỗi cung ứng Halal… để xuất khẩu sang các thị trường mà mỗi bên có lợi thế.
Về hợp tác địa phương, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu gắn kết các địa phương của hai nước, trong đó thúc đẩy xây dựng quan hệ kết nghĩa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Casablanca.
Với mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính, du lịch quốc tế, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển của Casablanca.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đề nghị Chính phủ Maroc tiếp tục duy trì học bổng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam theo học tại Maroc. “Nuôi dưỡng sự gắn bó của người dân, nhất là của thế hệ trẻ, sẽ là chất kết dính bền chặt cho quan hệ hai nước chúng ta,” Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hợp tác nghị viện là một kênh quan trọng trong tổng thể quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương; cảm ơn Hạ viện Maroc, cá nhân Chủ tịch Rachid Talbi El Alami và các Nghị sỹ đã ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trao đổi Đoàn cấp cao giữa lãnh đạo nghị viện hai nước, cũng như các cơ quan chuyên môn giữa hai Quốc hội.
Hai bên triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội đã ký từ năm 2017; trong đó rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký; làm sâu sắc hơn nữa quan hệ nghị viện, tích cực trao đổi đoàn các cấp, Nhóm nghị sĩ hữu nghị; tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi kinh nghiệm hay, bài học quý của Quốc hội hai nước trên các lĩnh vực hoạt động, nhất là về lập pháp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương...
Để đưa các nội dung hợp tác về kinh tế-thương mại đi vào thực chất, hiệu quả, Chủ tịch Hạ viện Maroc đề xuất thành lập Hội đồng kinh doanh để rà soát từng vấn đề, xác định các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện; tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các thành phố có cảng lớn tại Maroc…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất của Chủ tịch Hạ viện Maroc./.