Trước Tết Nguyên đán Nhâm dần, câu lạc bộ Cần Thơ đứng trước nguy cơ không đủ điều kiện tham dự giải Hạng Nhất Quốc gia 2022 và có thể phải giải tán sau khi nhà đầu tư chính cùng các bên tài trợ rút lui. Các cầu thủ đội bóng này bị nợ lương, thiếu thốn chế độ phụ cấp sinh hoạt từ ăn uống đến quần áo.
Nhưng nay, câu lạc bộ Cần Thơ may mắn đón nhận những “luồng gió” đầu tư mới trước thềm mùa giải 2022 sắp khởi tranh, qua đó bắt đầu nghĩ đến những viễn cảnh tươi sáng hơn.
Trò chuyện với Báo điện tử Vietnamplus, tân Chủ tịch câu lạc bộ Cần Thơ, ông Nguyễn Đắc Văn đã chia sẻ những câu chuyện về đội bóng nằm ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Người đứng đầu câu lạc bộ Cần Thơ khẳng định mong muốn xây dựng đội bóng phát triển ổn định, chuyên nghiệp hơn trong tương lai gần và có thể tiến đến thi đấu V-League trong một ngày không xa, nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có từ trước đến nay.
Làm bóng đá không thể không có tiền
Việc ông trở thành tân Chủ tịch câu lạc bộ Cần Thơ khiến nhiều người bất ngờ. Ông có thể chia sẻ về câu chuyện đằng sau đó?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn: Tôi đến với bóng đá Cần Thơ một cách rất bất ngờ. Ban đầu, tôi có thành lập một số hội nhóm yêu Sài Gòn để chung tay giúp đỡ Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Sau đó, khi thành phố mang tên Bác không còn căng thẳng, chúng tôi chọn xuống miền Tây, các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long để giúp đỡ mọi người khi đại dịch ở đây trở nên phức tạp.
Từ đó, qua những câu chuyện, qua những mối quan hệ, nhiều người ở Cần Thơ biết tôi làm về bóng đá, am hiểu bóng đá Việt Nam nên có hỏi một số vấn đề liên quan về phát triển câu lạc bộ. Sau cùng, lãnh đạo thành phố mời tôi về hỗ trợ bóng đá Cần Thơ để có thể giúp câu lạc bộ vượt qua lúc khó khăn.
Tôi không nhận lời ngay bởi cần thời gian để tìm hiểu, chứ không thể nói khơi khơi được. Thực tế, thành phố Cần Thơ có hệ thống cơ sở hạ tầng rất tốt, có sân vận động đẹp không kém sân Mỹ Đình. Đây còn là thủ phủ của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nên có nhiều điều kiện thuận lợi khác để phát triển bóng đá. Tìm hiểu xong xuôi, tôi mới nói chuyện với lãnh đạo thành phố và đồng ý với lời đề nghị. Nhưng bản thân tôi cũng có những yêu cầu nhất định. Sau khi hai bên đồng ý thì tôi bắt tay vào làm.
Vấn đề nan giải nhất của câu lạc bộ Cần Thơ là tài chính và nhà đầu tư. Ông đã giải quyết điều này như thế nào chỉ trong thời gian ngắn sau khi tiếp nhận đội bóng?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn: Thực ra, khi tôi mới về làm việc, đội bóng vẫn nằm dưới sự quản lý của đơn vị cũ. Có nhiều vấn đề trục trặc như cầu thủ bị nợ lương. Khi mới về được vài ngày, tôi đã chứng kiến nhiều cầu thủ không có quần áo để tập luyện, thậm chí còn không có cơm ăn theo tiêu chuẩn mà mọi người phải tự bỏ tiền mua cơm hộp bên ngoài. Đó là những vấn đề tồn đọng.
Khi chứng kiến điều ấy, tôi ngay lập tức phải giúp cầu thủ ổn định điều kiện sinh hoạt hơn dù chưa biết có tiếp quản đội bóng hay không. Tôi không thể để tình trạng ấy diễn ra với một đội bóng chuyên nghiệp.
Sau đó, tôi đảm nhận lãnh đạo câu lạc bộ và tiến thành thủ tục bàn giao cũng như kết nối thêm những nhà đầu tư. Đây là nhóm các nhà đầu tư cùng sát cánh với tôi để xây dựng bóng đá Cần Thơ. Bởi vốn dĩ, làm bóng đá cần sự chung tay của nhiều người.
Bóng đá Việt Nam nói chung cũng như vậy. Nếu không có những nhà đầu tư như bầu Hiển, bầu Đức và bầu Trần Anh Tú hỗ trợ, bóng đá Việt Nam không thể có thành công như bây giờ và có thể phải đi xuống. Với kinh nghiệm từng học hỏi ở nước ngoài, tôi biết rằng để làm bóng đá bền vững cần sự chung tay của nhiều người.
Khi tôi đề xuất rằng đội bóng Cần Thơ cần sự chung tay, rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp muốn cùng xây dựng. Thay vì một đơn vị đầu tư 40-50 tỷ cho đội bóng mỗi mùa giải, câu lạc bộ có thể chỉ cần nhiều bên góp sức 2-3 tỷ đồng hoặc 500 triệu đồng. Thậm chí, những doanh nghiệp nhỏ yêu mến đội bóng quê hương có thể góp 100 triệu cũng được. Khi chúng ta có nhiều sự chung tay, vấn đề tài chính không còn nan giải. Mà tôi có thể xứ lý việc đó chỉ trong thời gian ngắn.
Nhưng quan điểm của tôi ở đây là không đi xin. Tôi nói với các bên đầu tư rằng đang có bài toán phát triển câu lạc bộ Cần Thơ như thế này, họ có muốn tham gia cùng tôi không? Nếu tham gia, quyền lợi của các bên sẽ như thế này... Tất cả đều là hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Ông định hướng điều gì cho câu lạc bộ Cần Thơ trong tương lai gần?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn: Tôi muốn đội bóng ổn định hơn nữa. Đầu tiên, chúng tôi phải ổn định về tài chính để thành viên câu lạc bộ và cầu thủ không còn phải lo lắng rằng hết năm nay nhà đầu tư có rời đi không, nhà tài trợ có cắt hợp đồng không. Tài chính vẫn luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Không có tiền, chúng ta không thể làm bóng đá.
Sau khi đã ổn định, đội bóng vận hành trơn tru và trụ hạng ở mùa giải này tại Hạng Nhất Quốc gia. Còn năm sau, chúng tôi sẽ lại lên kế hoạch cụ thể hơn. Bởi vì, điều cần nhất lúc này là đội bóng phải “sống”. Nếu tôi không bắt tay vào làm, có lẽ đội bóng Cần Thơ có thể phải chia tay Hạng Nhất, thậm chí giải thể. Bây giờ, tôi cần cứu được đội bóng lúc này, giúp đội bóng tham gia mùa giải mới.
Giữ bản sắc trong hướng phát triển mới
Sau khi có nhà đầu tư mới, liệu rằng câu lạc bộ Cần Thơ có đổi tên gắn liền với nhãn hiệu từ nhà trợ hay không?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn: Nếu câu lạc bộ không có nhà tài trợ thì sẽ không có tiền và không có chi phí để vận hành. Ngoài khoản tiền cố định cần để “nuôi” đội bóng hàng năm, các khoản tiền từ nhà tài trợ, bán vé, hình ảnh… luôn cần thiết. Áo đấu của đội bóng vô cùng quan trọng để kinh doanh bởi có thể gắn tên thương hiệu, logo nhà tài trợ.
Tuy nhiên, tôi không muốn gắn tên đội bóng với tên nhà tài trợ như nhiều trường hợp thường thấy của bóng đá Việt Nam.
Tôi luôn muốn đội bóng vẫn mang tên Câu lạc bộ bóng đá Cần Thơ. Tư duy của tôi là tất cả mọi người phải chung tay, nhưng đội bóng vẫn phải giữ được bản sắc của địa phương. Ở đây, tôi muốn đội bóng Cần Thơ vẫn thuộc về thành phố phố Cần Thơ, mang bản sắc của người dân Cần Thơ hoặc rộng hơn là của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đấy là điều tôi muốn xây dựng.
Tuy nhiên, Câu lạc bộ Cần Thơ có Giám đốc điều hành và Huấn luyện viên trưởng không phải người địa phương. Ông nghĩ sao về điều này?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn: Câu lạc bộ Cần Thơ có hơn 30 cầu thủ trong danh sách đăng ký thi đấu, trong đó có 18 người thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và đều rất trẻ. Đó là những nhân tố tôi muốn xây dựng. Sau này, tôi có thể đưa về thêm những ngôi sao nhưng bóng đá vẫn phải có bản sắc thì mới có người xem. Không có người địa phương thi đấu thì không ai muốn xem cả. Bóng đá Cần Thơ muốn phát triển thì cần được sự ủng hộ của lãnh đạo, nhân dân Cần Thơ. Đội bóng là của họ mà.
Tôi làm Chủ tịch nhưng là người gốc Hà Nội. Giám đốc điều hành Lê Minh Dũng cũng từ miền Bắc vào. Nhưng Giám đốc kỹ thuật là anh Trần Công Minh - huyền thoại của bóng đá Đồng Bằng Sông Cửu Long và có thể kết nối mọi chuyện. Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Việt Thắng cũng là người ở vùng trong. Đó đều là những điều cần phải có để duy trì bản sắc đội bóng.
Ông có lo ngại về những định hướng của mình hay không, bởi nhiều đội bóng ở Hạng Nhất không có chu trình phát triển quá dài?
Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn: Tôi nghĩ rằng việc giúp đội bóng Cần Thơ phát triển không phải chuyện quá khó. Nhưng tôi có những mong muốn phát triển nhiều thứ khác xoay quanh bóng đá. Đây là cơ hội cho chính tôi đầu tư ở Cần Thơ. Tôi không về đây để làm thuê, tôi muốn đầu tư cho đội bóng để phát triển và đem lại những giá trị.
Xa hơn, tôi muốn chung tay cùng thành phố Cần Thơ xây dựng học viện đào tạo bóng đá trẻ để làm nơi đến cho những tài năng của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bóng đá trẻ phải là nền tảng. Học việc này không cần kết hợp với các đội bóng quá lớn dù tôi đủ khả năng để kết nối bóng đá Cần Thơ với những học viện của Bayern Munich, Chelsea và các đội bóng ở Hà Lan…
Công ty của tôi cũng nằm trong nhóm những nhà đầu tư cho đội bóng. Công ty của tôi phải làm chủ quản và toàn quyền quyết định đối với đội bóng, chứ không để người khác can thiệp. Nếu không, chúng tôi không thể quản lý. Rất nhiều đội bóng ở Việt Nam đã từng xảy ra trường hợp đó rồi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Không phải đội bóng nào cũng may mắn như Cần Thơ Sau mùa giải Hạng Nhất Quốc gia 2021, câu lạc bộ An Giang đã phải nói lời chia tay. Đội bóng thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long không thể tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp vì vấp phải khó khăn trong vấn đề tài chính. Trước đó, nhiều đội bóng tại Hạng Nhất Quốc gia cũng từng lâm nguy vì không có đủ tiền để duy trì. Đây tiếp tục là vấn đề nan giải của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ nhiều năm nay khi các đội bóng chưa thể kiếm tiền và có đủ nguồn lực để vận hành ổn định lâu dài./. |