Chủ động giải pháp, không để tái diễn khủng hoảng ùn tắc đăng kiểm tại 31 tỉnh, thành
10:31 - 20/10/2023
Cục Đăng kiểm VN lo ngại quá trình truy tố, xử án các đăng kiểm viên vi phạm sắp tới sẽ dẫn đến thiếu nguồn nhân lực và kéo theo tái diễn ùn tắc đăng kiểm. Nhiều giải pháp được tính đến để đối phó nguy cơ này.
Chiều 19/10, Cục Đăng kiểm VN tổ chức Hội nghị đánh giá gần 5 tháng thực hiện Nghị định số 30/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (có hiệu lực từ 8/6/2023). Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại diện 63 Sở GTVT, các trung tâm đăng kiểm trên cả nước.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, sau gần 5 tháng triển khai Nghị định 30/2023, đến nay hoạt động kiểm định xe cơ giới cơ bản ổn định, không còn tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm VN và đại diện một số Sở GTVT cho rằng, dịp cuối năm 2023 và tháng 7/2024 là giai đoạn nhu cầu kiểm định ô tô tăng cao do nhiều xe đến chu kỳ đăng kiểm định kỳ, nguy cơ khủng hoảng ùn tắc đăng kiểm như thời gian qua lại tái diễn do sắp tới có nhiều đăng kiểm viên (ĐKV) vi phạm pháp luật bị truy tố, xét xử dẫn đến thiếu hụt nhân sự.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 271/288 trung tâm đăng kiểm, với 433/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. Số lượng phương tiện đến kiểm định hiện tối thiểu trung bình là 623.520 xe/tháng và thời gian tới nhu cầu ở tháng cao nhất là tháng 7/2024 với 503.276 xe. Song đáng lo là hiện có tổng số 1.784 ĐKV đang tham gia hoạt động đăng kiểm nhưng có tới gần 16% (297 ĐKV) đã bị khởi tố và đang trong thời gian tại ngoại chờ xét xử. Chưa kể ở một số địa phương hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra và có thể phát hiện thêm ĐKV sai phạm hoặc ĐKV bỏ việc.
"Trường hợp 297 ĐKV bị khởi tố được đưa ra xét xử thì có tới 81 trung tâm đăng kiểm tại 31 địa phương bị ảnh hưởng, trong đó có những tỉnh không còn trung tâm đăng kiểm hoạt động như tại tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn... Khả năng xảy ra ùn tắc còn do các trung tâm đăng kiểm phân bố không cân bằng trên cả nước, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu", phân tích của Cục Đăng kiểm VN.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 30/2023, trường hợp đơn vị đăng kiểm có 2 lượt ĐKV bị thu hồi chứng chỉ ĐKV trong vòng 1 năm phải tạm dừng hoạt động 3 tháng (ĐKV bị xét xử, tuyên có tội sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKV) cũng dẫn đến việc ngưng hoạt động của đơn vị đăng kiểm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đầu tuần tới sẽ làm việc với Cục Đăng kiểm VN để đưa ra các giải pháp để giải quyết những khó khăn như đã dự báo. "Dù có khó khăn đến mấy chúng ta cũng phải vượt qua, giữ vững tinh thần phục vụ ngành GTVT, phục vụ nhân dân. Theo Nghị định số 30/2023, các Sở GTVT có vai trò quan trọng, vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu giám đốc các sở GTVT quan tâm đến vấn đề này để không tạo nên điểm nóng, phức tạp. Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung này", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Cũng theo Thứ trưởng, thời điểm khó khăn nhất vừa qua, toàn lĩnh vực đăng kiểm chỉ có hơn 1.000 ĐKV, trong khi hiện đã tăng lên 1.500 ĐKV và khi nhu cầu kiểm định tăng cao tiếp tục thực hiện giải pháp đơn vị đăng kiểm làm tăng ca, thêm giờ, ngày nghỉ.
"Quan điểm nhất quán trong chỉ đạo thực hiện là các địa phương, đơn vị đăng kiểm hỗ trợ nhau. Có thể chia sẻ, hỗ trợ lực lượng ĐKV không liên quan đến các vụ án, cũng như tính đến giải pháp đăng kiểm sớm hoặc muộn hơn so với chu kỳ kiểm định phương tiện.
Đầu vào nguồn nhân lực kỹ sư để bổ sung cho lực lượng ĐKV không thiếu, vấn đề là quy trình đào tạo hiện khá máy móc, mất nhiều thời gian nên cần sửa đổi, bổ sung. Cục Đăng kiểm VN cần xem xét, giải quyết sớm vấn đề này", Thứ trưởng gợi ý một số giải pháp.
Trước đó, các đại biểu thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn hoạt động đăng kiểm và giải quyết nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến đăng kiểm. Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc thiếu hụt ĐKV (vì lý do trên) sẽ gây ra khủng hoảng ùn tắc đăng kiểm mới tại 31 tỉnh, thành. Nếu không giải quyết được ở 31 địa phương sẽ lan ra cả nước. Sở GTVT các địa phương cần cần rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền, đưa ra giải pháp như: đề nghị luân chuyển, mượn ĐKV.
"Hiện cả nước còn gần 1.500 ĐKV "sạch", nếu chia trung bình 4 - 5 ĐKV/dây chuyền và dàn ra vẫn đáp ứng được nhu cầu, nhưng khó làm được. Điều quan trọng là các đơn vị đăng kiểm phải tương thân, tương ái đoàn kết. Một số địa phương có 1 trung tâm đăng kiểm như Hòa Bình, Bắc Kạn… vẫn phải đầu tư trung tâm mới", ông An nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết, giải pháp là thiếu ở đâu (nhân lực, trung tâm) bù ở đó như thời gian vừa qua đã áp dụng để giải quyết ùn tắc đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có 31 tỉnh, thành phố có nguy cơ sẽ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định bao gồm: Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang; trong đó, có những tỉnh (do ĐKV bị xét xử) không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình.
Nguồn: Nguy cơ tái diễn khủng hoảng ùn tắc đăng kiểm tại 31 tỉnh, thành (tapchigiaothong.vn)