Chinh phu Nigeria chuan bi to chuc tong tuyen cu hinh anh 1Các quan sát viên quốc tế và địa phương tới Ủy ban Bầu cử quốc gia độc lập Nigeria (INEC) để chuẩn bị cho việc giám sát cuộc tổng tuyển cử tại Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, ngày 22/2, Liên minh châu Phi (AU) cho biết người đứng đầu phái đoàn giám sát bầu cử của Liên minh châu Phi (AUEM) - Cựu Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta - đã đến thủ đô Abuja của Nigeria để bắt đầu chương trình làm việc.

AUEOM, gồm 90 thành viên, sẽ giám sát tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Nigeria, bắt đầu vào ngày 25/2 tới.

Theo AU, ông Kenyatta dự kiến sẽ có các buổi gặp gỡ và tiếp xúc với các quan chức thuộc cơ quan tổ chức bầu cử, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập, các ứng cử viên tổng thống và tổng thanh tra cảnh sát. Ông cũng sẽ gặp những người đứng đầu các phái đoàn quan sát bầu cử quốc tế và nhóm đại sứ các nước châu Phi tại Nigeria, cùng với những bên đối thoại khác.

Sau cuộc bầu cử, người đứng đầu AUEOM sẽ đưa ra đánh giá sơ bộ về quá trình bầu cử trong cuộc họp báo chung với phái đoàn giám sát bầu cử của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vào ngày 27/2.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 25/2 để bầu tổng thống mới và các thành viên Quốc hội.

[Sau khi bị trì hoãn một tuần, Nigeria bắt đầu tiến hành bầu cử]

 

Tổng cộng có 18 ứng cử viên tổng thống sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới và có hơn 93 triệu cử tri được đăng ký với Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập, cơ quan tổ chức bầu cử của Nigeria, tại 36 bang của đất nước này.

Cuộc bầu cử ở Nigeria diễn ra trong bối cảnh nước này sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới vào năm 2050 và khu vực Tây Phi đang bị đe dọa bởi sự suy giảm dân chủ mạnh mẽ và sự lan rộng của tình trạng bạo lực.

Người trở thành tổng thống tiếp theo của quốc gia sản xuất dầu mỏ và cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Phi này sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối của đất nước như tình trạng bạo lực, tội phạm hoành hành và lực lượng thánh chiến trỗi dậy ở miền Bắc và miền Trung, tình trạng bất ổn do phe ly khai gây ra ở phía Đông Nam, và lạm phát gia tăng hay tình trạng bần cùng hóa./.

Trung Khánh (TTXVN/Vietnam+)