Chinh phu Nhat Ban can thiep nong de kiem che su lao doc cua dong yen hinh anh 1Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước tình trạng đồng yen lao dốc giảm giá mạnh sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tăng lãi suất, ngay trong chiều ngày 22/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng việc bán ra đồng USD và mua vào đồng yen.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chỉ trong 1 ngày, thị trường tiền tệ Nhật Bản liên tục chứng kiến những thay đổi chóng mặt.

Đầu tiên là Hội đồng Chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng bất chấp việc chỉ vài giờ trước đó, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nay để đối phó với lạm phát.

[Quan chức Nhật Bản: Cần chặn đứng đà sụt giảm quá mức của đồng yen]

Ngay sau đó, đồng yen đã mất giá mạnh so với đồng USD. Tỷ giá giao dịch giữa 2 đồng tiền này trên thị trường Tokyo đã vượt ngưỡng 145 yen/USD, thấp nhất trong 24 năm qua.

Đến 15h cùng ngày, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Masato Kanda cho biết chính phủ nước này và BoJ đã thống nhất sử dụng biện pháp can thiệp vào thị trường bằng cách bán ra đồng USD và mua vào đồng yen để kiềm chế đà giảm giá của đồng tiền nước này.

Đến cuối giờ chiều, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã quay trở lại mốc 140 yen/USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/1998, Chính phủ Nhật Bản thực hiện can thiệp thị trường bằng cách mua vào đồng yen và bán ra đồng USD.

Khi đó, từ tháng 4-6/1998, Nhật Bản đã bán ra số USD tương đương 3.470 tỷ yen.

Lần gần nhất, Chính phủ Nhật Bản can thiệp để chặn đà tăng giá của đồng yen bằng cách mua vào đồng USD và bán ra đồng yen để kiềm chế đà tăng giá của đồng yen là tháng 11/2011, thời điểm thị trường tiền tệ nước này chịu tác động lớn bởi hậu quả của thảm họa động đất sóng thần lịch sử.

Theo thống kê, trong lịch sử, Bộ Tài chính Nhật Bản đã thực hiện can thiệp ngoại hối 376 lần, trong đó 317 lần can thiệp để chống lại sự tăng giá đồng yen và 32 lần can thiệp để chống lại sự mất giá của đồng tiền này, còn lại là phục vụ mục đích khác./.

Phạm Tuân (TTXVN/Vietnam+)