Chinh phu Canada sap tang manh thue tieu thu ruou va bia hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Canadian Press)

Ngành dịch vụ nhà hàng của Canada đang phải chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau trong bối cảnh chính phủ nước này dự kiến sẽ tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại đồ uống có cồn.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, các loại đồ uống có cồn ở Canada sẽ bị tăng thêm 6,3%  thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ ngày 1/4 trên cơ sở điều chỉnh hằng năm dựa trên lạm phát.

Đây sẽ là mức tăng lớn nhất trong hơn 40 năm qua, làm dấy lên cảnh báo về nguy cơ một số quán bar và nhà hàng sẽ phải ngừng kinh doanh.

[Người dân Canada đối phó với giá cả phi mã sau đại dịch COVID-19]

CJ Helie - Chủ tịch Hiệp hội Bia Canada - cho biết việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm là một vấn đề nhức nhối đối với ngành đồ uống ở nước này, nhưng vẫn có thể chấp nhận được nếu chỉ ở mức khoảng 2%.

Việc chính phủ sắp tăng thuế thêm tới 6,3%, gấp 3 lần mức có thể chấp nhận được, sẽ gây ra những khó khăn rất lớn cho ngành này.

 

Một số nhà sản xuất bia phải cố gắng tiết giảm chi phí bằng cách trì hoãn các kế hoạch đầu tư và tuyển dụng mới, song điều này không thể kéo dài mãi.

Trong khi đó, trong một email đề cập đến vấn đề trên, Adrienne Vaupshas - Thư ký báo chí của Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland - cho biết việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn được điều chỉnh hàng năm theo luật, phụ thuộc vào tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng vào tháng tới tính ra sẽ chưa đến 1 xu trên mỗi lon bia.

Theo số liệu do Cơ quan doanh thu Canada công bố, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu vang sẽ tăng từ 0,688 CAD/lít lên 0,731 CAD/lít. Như vậy, đối với một chai rượu vang 750ml, mức tăng thuế là gần 3 xu.

Tuy nhiên, nhóm dịch vụ nhà hàng Canada cho biết việc tăng thuế sẽ khiến toàn ngành dịch vụ thực phẩm Canada tiêu tốn khoảng 750 triệu CAD mỗi năm, khi các nhà hàng ăn uống bình dân dự kiến sẽ phải trả thêm trung bình 30.000 CAD cho riêng mặt hàng rượu.

Điều này sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng cho họ sau nhiều năm đã phải đóng cửa vì dịch bệnh, thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng vọt từ tiền lương trả cho nhân viên đến dầu ăn. Chưa kể, lạm phát gia tăng cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại các nhà hàng và quán bar khi nhiều người quyết định ăn uống tại nhà nhiều hơn để tiết kiệm tiền./.

Viết Tuân (TTXVN/Vietnam+)