Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức: Đập tan 'cánh cửa thép' vào sào huyệt địch

19:10 - 16/07/2024

Theo các chuyên gia, đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Bộ đội và nhân dân địa phương kéo pháo lên đỉnh đồi bắn vào chi khu Thượng Đức (Quảng Nam) năm 1974. (Ảnh tư liệu)
Bộ đội và nhân dân địa phương kéo pháo lên đỉnh đồi bắn vào chi khu Thượng Đức (Quảng Nam) năm 1974. (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức năm 1974 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân ta đã xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc của địch, phá tan “cánh cửa thép” phía Tây Nam Đà Nẵng.

Đó là nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức: Nửa thế kỷ nhìn lại” diễn ra ngày 16/7, tại Hà Nội.

Giáng ‘quả đấm chủ lực’ vào địch

Ở góc độ nghiên cứu lịch sử quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho hay đầu năm 1973, được sự hậu thuẫn của Mỹ, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Paris, gấp rút điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên toàn miền Nam và từng bước triển khai thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ,” lấn chiếm vùng giải phóng, bình định vùng chiếm đóng, đẩy lực lượng chủ lực của ta ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị.

z5638624140737_af2fc09b5aca378ddd378c7f48a9739d.jpg
Sơ đồ các mũi tiến công vào Thượng Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước tình hình đó, tháng 3/1974, Quân ủy Trung ương quyết định: “Tiếp tục đẩy mạnh tiến công đánh bại một bước quan trọng kế hoạch bình định lấn chiếm phân tuyến của địch, giành dân, giành quyền làm chủ ở vùng đồng bằng và vùng ven đông dân, nhiều của; từng bước đưa phong trào đấu tranh chính trị ở thành thị tiến lên đồng thời chuẩn bị lực lượng, cơ sở, tạo điều kiện và thời cơ đẩy tới cao trào cách mạng.”

Trên địa bàn Khu 5, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương , Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt một số chi khu quận lỵ kiên cố của địch... hoàn thành những “quả đấm chủ lực” mạnh đánh vỡ từng đoạn phòng ngự của địch ở chiến trường giáp ranh đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng; đồng thời quyết định mở Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức do đồng chí Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Chánh làm Phó Tư lệnh.

Nhiệm vụ của chiến dịch nhằm tiêu diệt, làm tan rã và bắt gọn toàn bộ lực lượng quân ở khu vực Nông Sơn-Trung Phước và Thượng Đức, giải phóng dân; tiến công đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trên chính diện phòng ngự ở Tây Nam Quế Sơn để mở rộng vùng giải phóng; giải tỏa, kéo, thu hút và kèm giữ lực lượng cơ động địch, tạo sơ hở ở nông thôn, đồng bằng cho địa phương đánh phá bình định, giành dân, giành quyền làm chủ được thuận lợi.

rinh.jpg
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Là nhân chứng lịch sử của chiến dịch này, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vẫn còn nhớ bối cảnh khi ấy: Thượng Đức được ví như “cánh cửa thép,” “con mắt thần” bảo vệ Đà Nẵng. Chính quyền Sài Gòn còn hợm hĩnh tuyên bố: “Khi nào nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Thượng Đức.”

“Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Quân ủy Trung ương quyết định thống nhất Mặt trận B5 và B4 thành Quân khu Trị Thiên-Huế, tôi được điều về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2,” ông Rinh nhớ lại.

Giữa năm 1974, đơn vị của ông Rinh nhận được lệnh khẩn trương cơ động về phía đông tăng cường cho Quân khu 5 tham gia Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức, tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức.

Sau bước trinh sát thực địa, nghiên cứu tình hình địch-ta, ngày 15/6/1974, Đảng ủy Trung đoàn họp mở rộng bàn kỹ các bước chuẩn bị và phương thức tác chiến. Đảng ủy thống nhất ưu tiên cho Tiểu đoàn 8 (lực lượng chủ công) tranh thủ huấn luyện cấp tốc một số hình thức chiến thuật. Các đơn vị khác vừa huấn luyện vừa tham gia làm đường, vận chuyển gạo, đạn.

“Theo phân công của Ban Chỉ huy Trung đoàn, tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng làm đường theo kế hoạch chung của Bộ Tư lệnh Chiến dịch và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304. Ý thức được một trong những nhiệm vụ của Trung đoàn là chặn đánh địch từ Thượng Đức rút chạy khi bị ta tiến công, chúng tôi đã cho Đại đội 15 công binh của Trung đoàn bố trí trận địa cọc chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia để chặn địch rút về Đà Nẵng theo đường sông,” ông Rinh cho biết.

Sau gần một tháng rưỡi tích cực chuẩn bị và chờ đợi căng thẳng, giờ nổ súng mở màn chiến dịch cũng đã đến. Đúng 5 giờ sáng ngày 29/7/1974, lệnh nổ súng được phát ra. Căn cứ địch đang lúc “ngái ngủ” bỗng choàng dậy, vỡ ra, ngập chìm trong khói lửa và tiếng đạn pháo.

“Thật vinh dự, tự hào là người lính được may mắn tham gia những trận đánh, những chiến dịch đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng của đất nước ta như một mốc son chói lọi. Chúng ta hãy cùng trân trọng và biết ơn những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc,” ông Rinh xúc động.

 

Mở đường cho tổng tiến công 1975

Trải qua quá trình chiến đấu (từ ngày 18/7 đến 25/8/1974), với nhiều hy sinh, tổn thất, Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức đã giành thắng lợi.

nguyenhoangnhien.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự phát biểu. (Ảnh: Trần Thường)

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhận định rằng tư tưởng chỉ đạo “Bí mật, bất ngờ, chuẩn bị chu đáo, tập trung lực lượng hợp lý, đánh thắng trận đầu, trận then chốt, tiêu diệt gọn, hiệu suất chiến đấu cao” đã giúp Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức giành thắng lợi.

Theo đó, Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức giúp quân đội ta hiểu rõ về đối tượng tác chiến, phản ứng của ngụy quân Sài Gòn, đánh giá sâu sắc và cụ thể so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đặc biệt là khả năng can thiệp quân sự trở lại của đế quốc Mỹ… Đó một trong những cơ sở thực tiễn có ý nghĩa quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Thắng lợi của chiến dịch góp phần làm phá sản kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch; tiếp tục mở rộng và giữ vững vùng giải phóng của ta trên địa bàn Khu 5. Thắng lợi đó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho kế hoạch tổng tiến công năm 1975,” ông Nhiên nói.

hoithao.jpg
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng cho rằng Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức để lại nhiều bài học quý giá.

Đó là bài học về đánh giá, dự báo đúng tình hình, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; về vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.

“Những bài học kinh nghiệm đó được quân và dân ta vận dụng thành công trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,” ông Tấn nói./.

Nguồn: Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức: Đập tan 'cánh cửa thép' vào sào huyệt địch | Vietnam+ (VietnamPlus)