Chiến lược thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long

15:27 - 22/06/2024

Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong vùng đã nỗ lực thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, từ đó khẳng định vị thế là "huyết mạch giao thương" của khu vực phía Nam.

Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn qua xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò để phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
 
 
Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn qua xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò để phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tại Hội nghị Quốc tế "Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long" tổ chức mới đây, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, mặc dù, đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021-2022, nhưng hoạt động giao thương tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ổn định.

Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong vùng đã nỗ lực thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ đó, tạo sự bứt phá và khẳng định vị thế là "huyết mạch giao thương" của khu vực phía Nam.

Nhận diện thu hút đầu tư

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là vùng thu hút FDI sớm nhất của cả nước, ngay từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực năm 1988, khu vực đã thu hút tổng vốn FDI 7,8 triệu USD, bằng 10% về số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư của cả nước thời điểm đó.

Ở giai đoạn đầu cùng cả nước thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế nhất định nhờ nguồn lao động dồi dào, nhân công rẻ, vùng nguyên liệu nông sản lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới khi nơi đây đã hội tụ đủ cả ba yếu tố: "thiên thời, địa lợi, nhân hòa."

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, con người hiền hòa, mến khách, Đồng bằng sông Cửu Long có sẵn lợi thế về địa lợi, nhân hòa.

Vùng này đang có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ các vùng miền khác và kể cả làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia lân cận, Đồng bằng sông Cửu Long đã có thêm yếu tố "thiên thời," đây là những điều kiện cần và đủ để vùng này trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Cần Thơ), Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành, đó là cụm ngành lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng. Trong đó đặc biệt là năng lượng tái tạo có thể tạo bước đột phá trong thu hút vốn FDI cho khu vực.

Với những cam kết về tăng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ đã cơ bản giải tỏa được tâm lý e ngại của nhà đầu tư về nút thắt hạ tầng.

Tuy nhiên, tháo nút thắt trong thu hút FDI vào vùng này thì các địa phương cũng cần vượt qua 5 thách thức, đó là: tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác thiếu bền vững, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng logistics chậm được cải thiện, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế và thiếu lao động có tay nghề, ông Lam nhận định.

Theo số liệu bước đầu chưa đầy đủ, trong tháng 4/2024, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút 41 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới 339,55 triệu USD, chiếm 4,24% tổng số dự án và 3,66% tổng vốn FDI đăng ký mới của cả nước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối tháng 4/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 2.019 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 36,171 tỷ USD, xếp 4/6 vùng kinh tế cả nước về thu hút FDI về số dự án và tổng vốn đăng ký; chỉ cao hơn Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc.

Các dự án FDI vào vùng chủ yếu quy mô không lớn, bình quân khoảng 17,9 triệu USD/dự án.

Phân tích về nguyên nhân khách quan, cũng như nguyên nhân chủ quan khiến Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn, Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, cho rằng, nhìn dòng vốn FDI vùng Đồng bằng sông Cửu Long 10 năm qua (2004-2014) cho thấy, những năm gần đây, thu hút FDI của vùng đã có những khởi sắc đáng kể nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng trong vùng từ kết quả tập trung đầu tư dồn sức phát triển 3 khâu đột phá giao thông, thủy lợi, giáo dục, đào tạo và dạy nghề; thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường đầu tư cho thành phố Cần Thơ, trung tâm vùng, Phú Quốc, Kiên Giang, nhờ đó một số địa phương thu hút đầu tư nước ngoài khá tốt như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu có sự bứt phá.

Những yêu cầu mới

Nhận định về tiềm năng cơ hội đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “ Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”

ttxvn_cao toc can tho my thuan.jpg
Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, cần nhận thức rằng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay được biết đến không chỉ là "vựa lúa, trái cây, thủy sản" mà còn là một trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Bức tranh giao thông mới của vùng đang mở ra không gian phát triển mới. Những thế mạnh mới này cần được kết nối, khai thác, dùng chung, chứ không riêng gì một địa phương nào.

"Để thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long cần thiết phải tăng cường liên kết vùng trong thu hút đầu tư FDI phải có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài thật sự hấp dẫn thu hút đầu tư," Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp khuyến cáo.

Nổi lên hiện nay là có cơ chế, chính sách tốt để thúc đẩy liên kết vùng, trong đó có liên kết xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư chung, cơ sở hạ tầng dùng chung, khắc phục sự cạnh tranh bất lợi, thiếu lành mạnh, không gian kinh tế bị chia cắt, để có sự "phân công, phân vai" giữa các địa phương trong vùng.

Theo đó, hình thành các tiểu vùng kinh tế với vai trò của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trục kinh tế ven biển và biên giới Tây Nam, vùng cửa ngõ miền Tây với Long An, Tiền Giang giáp Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh trong vùng, bộ, ngành Trung ương đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động.

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng tăng cường liên kết vùng trong thu hút FDI là rất quan trọng, nhưng liên kết cái gì? Ai làm? Thực thi ra sao? Cần được thống nhất và triển khai đồng bộ với cơ chế chỉ huy, vận hành hiệu quả là yêu cầu quan trọng đặt ra.

Tính quyết định của sự liên kết này nằm ở sự liên kết thực tế dựa trên "3 kết nối" chủ yếu: hạ tầng, kết nối doanh nghiệp và thể chế, chính sách. Những lĩnh vực phải đi trước là quy hoạch mà vấn đề quan trọng là chất lượng quy hoạch, kế đến là thực hiện nghiêm quy hoạch.

"Với những thế mạnh sẵn có và tiềm năng to lớn, cộng với những tiến bộ trong việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và có sự liên kết tốt hơn giữa các địa phương với nhau, cùng với chiến lược thu hút đầu tư căn cơ, bài bản, có tư duy và cách làm mới, sự quan tâm đầu tư của Trung ương vào các khâu đột phá của vùng, có thể hy vọng Đồng bằng sông Cửu Long có đủ cơ sở để tạo ra bước đột phá trong đầu tư và phát triển, nguồn vốn FDI đổ vào vùng này sẽ có thay đổi lớn trong thời gian tới," Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp nhận định./.

Nguồn: Chiến lược thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long | Vietnam+ (VietnamPlus)