Ngày 14/4, tại thành phố Huế, Hội nghị “Triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết việc ban hành Nghị định số 107 đã đáp ứng được mong mỏi của các bên liên quan đồng thời đưa Việt Nam bước đầu tiếp cận, tham gia cùng xu hướng chung của thế giới trong trao đổi, chuyển nhượng, thương mại tín chỉ lượng giảm phát thải, carbon rừng.
Nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải chính là nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với loại dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Đây được coi là nguồn tài chính rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý, bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, góp phần tăng thu nhập cho gần 70.000 hộ gia đình và khoảng 950 cộng đồng dân cư; trong đó, có sự tham gia phần lớn của các hộ dân tộc thiểu số khó khăn.
[Việt Nam-WB ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ]
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe những nội dung cơ bản và kế hoạch thực hiện Nghị định số 107 của Chính phủ; đồng thời thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng triển khai, nhằm thúc đẩy việc chi trả kết quả giảm phát thải để tạo tiền đề phát triển các dự án, chương trình tiềm năng về hấp thụ và lưu giữ carbon trên phạm vi toàn quốc hướng đến thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững.
Nhiều đại biểu cho rằng thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ được thực hiện thí điểm đã giúp khơi thông, kịp thời tiếp nhận nguồn lực có ý nghĩa đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.
Đồng thời, đây là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết “đưa mức phải thải ròng về 0 vào năm 2050’’ của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh cho rằng thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành Lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới, giúp gia tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sinh thái của rừng, cải thiện sinh kế bền vững.
Bên cạnh đó, giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ carbon rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của địa phương và các chủ rừng.
Ngày 22/10/2020, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (viết tắt là ERPA) được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) - đơn vị nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (Quỹ FCPF).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đại diện chủ sở hữu, quản lý, sử dụng, chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cho Quỹ FCPF ủy thác qua Ngân hàng IBRD, đồng thời dự kiến nhận về khoảng 51,5 triệu USD.
Đến nay, thỏa thuận này đã được thể chế hóa tại Nghị định số 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Việt Nam có trên 14 triệu ha rừng, ngành lâm nghiệp hiện đang có mức phát thải ròng âm, đây là tiềm năng lớn trong việc giúp nước ta từng bước thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Nhiều chương trình, chiến lược ngành cũng đã được xây dựng, trong đó phải kể đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng - dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đã được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017./.