Chỉ số Upcom Index trong tháng 7/2023 đạt mức cao nhất tính từ đầu năm
08:14 - 10/08/2023
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 7/2023 thị trường cổ phiếu niêm yết HNX – Index đạt 239,55 điểm, thị trường chứng khoán phái sinh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng 20,48% so với tháng trước và chỉ số Upcom Index tháng 7/2023 đạt mức cao nhất từ tính đầu năm.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 7/2023 thị trường cổ phiếu niêm yết HNX – Index đạt 239,55 điểm, thị trường chứng khoán phái sinh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng 20,48% so với tháng trước và chỉ số Upcom Index tháng 7/2023 đạt mức cao nhất từ tính đầu năm.
Thị trường cổ phiếu niêm yết HNX – Index tháng 7/2023 đạt 239,55 điểm, cao nhất tính từ đầu năm
Trong tháng 7, diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX có sự tăng trưởng mạnh, chỉ số HNX – Index đóng cửa ở mức cao nhất tháng đạt 239,55 điểm vào ngày 31/7/2023, tăng 5,38% so với cuối tháng 6/2023. Đây cũng được ghi nhận là mức chỉ số HNX-Index cao nhất kể từ đầu năm.
Trái ngược với đà tăng của chỉ số HNX Index, thanh khoản trên thị trường giảm nhẹ so với tháng trước. Với 21 phiên giao dịch được thực hiện trong tháng 7/2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 108 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1.734,8 tỷ đồng/phiên, giảm 9,22% về KLGD và giảm 9,61% về GTGD so với tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường tại phiên giao dịch cuối tháng 7 đạt 297,47 nghìn tỷ đồng, tăng 5,26% so với cuối tháng trước.
Giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 tháng 7/2023 có tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.339 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 27,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,06% khối lượng giao dịch và 76,65% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất tại HNX là mã chứng khoán SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với tỷ trọng 17,68% khối lượng giao dịch toàn thị trường, tương đương hơn 414 triệu cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O với tỷ trọng 8,65% tương đương hơn 202 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Về diễn biến giá cổ phiếu, tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán VMS của CTCP Phát triển Hàng hải với mức tăng 58% (tương đương 11.600đ/cp) đạt 31.600 đồng/cp, đứng thứ 2 là cổ phiếu CMC của CTCP Đầu tư CMC với mức tăng 56,86% (tương ứng 2.900 đồng/cp) đạt 8.000 đồng/cp. Tiếp sau đó là cổ phiếu IVS của CTCP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) có mức tăng 54,12% (tương ứng 4.600 đồng/cp) đạt 13.100 đồng/cp; tiếp đến là cổ phiếu SCI của CTCP SCI E&C có mức tăng 45,83% (tương ứng 5.500 đồng/cp) đạt 17.500 đồng/cp.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng tháng thứ 10 liên tiếp với giá trị mua ròng hơn 325 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 879 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 533 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là cổ phiếu SHS của CTCP chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với tỷ trọng 2,8% tương đương 28,6 triệu cổ phiếu, tiếp theo là cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG với tỷ trọng 0,52% khối lượng giao dịch toàn thị trường, tương đương hơn 4,7 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều nhất là cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O với 6,04 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Hoạt động tự doanh cổ phiếu niêm yết tại HNX của các CTCK thành viên trong tháng 7/2023 có GTGD hơn 237 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,65% toàn thị trường), trong đó khối này mua ròng với giá trị bán ròng đạt 40,8 tỷ đồng. Trong tháng 7/2023, thị trường niêm yết HNX có 02 doanh nghiệp niêm yết mới, 02 doanh nghiệp hủy niêm yết cổ phiếu và có thêm 04 doanh nghiệp niêm yết bổ sung hơn 24,6 triệu cổ phiếu. Tại thời điểm cuối tháng 7/2023, thị trường niêm yết HNX có 332 mã cổ phiếu giao dịch với giá trị niêm yết đạt 147,7 nghìn tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phái sinh giao dịch tháng 7/2023 của nhà đầu tư nước ngoài tăng 20,48% so với tháng trước
Tháng 7/2023, chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 1.230,81 điểm, tăng 9,58% so với cuối tháng trước. Thị trường cơ sở giao dịch sôi động, nhưng giao dịch chứng khoán phái sinh lại giảm so với tháng trước. Sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có khối lượng giao dịch bình quân đạt 152.739 hợp đồng/phiên, giảm 13,52%, giá trị giao dịch (theo danh nghĩa hợp đồng) bình quân đạt 17.691 tỷ đồng/phiên, giảm 9,31% so với tháng trước. Trong đó, phiên giao dịch ngày 28/7/2023 có KLGD lớn nhất, đạt 190.527 hợp đồng.
Tại phiên giao dịch cuối tháng, khối lượng hợp đồng mở (OI) đạt 62.077 hợp đồng, tăng 17,5% so với tháng trước. Trong đó, phiên giao dịch ngày 13/7/2023 ghi nhận khối lượng mở OI cao nhất trong tháng với 70.785 hợp đồng.
Về cơ cấu nhà đầu tư, tỷ trọng tham gia giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7/2023 tăng lên mức 3,47% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giao dịch tự doanh của CTCK giảm, chiếm 1,66% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trong tháng 7, sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP không có giao dịch, khối lượng mở OI tại thời điểm cuối tháng 7/2023 của sản phẩm này là 0 hợp đồng.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tiếp tục có xu hướng tăng đạt 1.341.152 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 7/2023, tăng 2% so với tháng trước.
Chỉ số Upcom Index tháng 7/2023 đạt mức cao nhất tính từ đầu năm
Thị trường UPCoM tháng 7/2023 có diễn biến sôi động và tăng trưởng bứt phá về giá cổ phiếu so với tháng trước. Chỉ số UPCoM Index có xu hướng tăng liên tục trong tháng, đóng cửa tháng 7/2023 đạt 89,35 điểm, tăng 3,9% so với cuối tháng 6/2023. Đây là mức chỉ số UPCoM Index đóng cửa cao nhất từ đầu năm đến nay.
Với mức tăng 3,9% của chỉ số giá UPCoM Index, nên mặc dù khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân giảm 7,15%, đạt xấp xỉ 73,29 triệu cổ phiếu/phiên, nhưng giá trị giao dịch (GTGD) bình quân vẫn tăng 19,39%, đạt hơn 1.000 tỷ đồng/phiên so với tháng 6/2023. Phiên giao dịch có KLGD cao nhất tháng đạt 218,3 triệu cổ phiếu tại ngày 11/7/2023, đây cũng là phiên có GTGD cao nhất tháng với 4.100 tỷ đồng và cũng là phiên giao dịch có KLGD và GTGD cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày 31/7/2023 đạt hơn 1.087 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước.
Về biến động giá cổ phiếu, tăng giá mạnh nhất trong tháng 7 là mã chứng khoán VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP với giá đóng cửa cuối kỳ đạt 16.900 đồng, tăng 103,61% so với cuối tháng trước. Tiếp theo là MVC của CTCP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương với giá đóng cửa đạt 12.900 đồng, tăng 86,96% so với cuối tháng trước. Ngoài ra, trong nhóm tăng giá mạnh nhất còn có cổ phiếu SAL của CTCP Trục vớt Cứu hộ Việt Nam, HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước, CEG của CTCP Tập đoàn Xây dựng và Thiết bị Công nghệ.
Về khối lượng giao dịch, 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng là BSR, PGB, SBS, C4G, NAB với khối lượng giao dịch lần lượt là 188 triệu, 172 triệu, 71 triệu, 69 triệu, và 51 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 35% KLGD toàn thị trường.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh so với tháng 6/2023, với tổng GTGD đạt hơn 2.064 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 53% so với tháng trước. Trong đó, giá trị mua vào đạt 363 tỷ đồng và bán ra 1.700 tỷ đồng, tính chung trong tháng 7/2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 1.337 tỷ đồng. Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là LTG, QTP, VGT, BSR, ACV. Các cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất là QNS, VEA, LTG, VNZ, VTP.
Giao dịch của khối tự doanh các CTCK đạt 226 tỷ đồng, giảm hơn 461% so với tháng 6/2023, trong đó giá trị mua vào đạt 99,29 tỷ đồng, bán ra đạt 127,31 tỷ đồng.
Thị trường UPCoM trong tháng 7 đón nhận thêm 4 doanh nghiệp ĐKGD mới và có 6 doanh nghiệp hủy ĐKGD, tại thời điểm cuối tháng 7/2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường đạt 863 doanh nghiệp, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 420 nghìn tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch bổ sung đạt 197 triệu cổ phiếu.