Chỉ số PSDI 2021: Có 3 tỉnh thăng hạng vượt bậc so với năm 2020
17:31 - 21/12/2022
Tại hội thảo hội thảo khoa học quốc gia: “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” do Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 21/12, APD cũng đã công bố Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI 2021).
Đáng chú ý, Báo cáo Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI 2021) được Nhóm nghiên cứu APD-ISESR công bố đã phản ánh tương đối rõ nét nỗ lực thực hiện các phát triển bền vững ở các địa phương, đặt trong bối cảnh có những khó khăn về dịch bệnh, các xung đột địa chính trị trên thế giới và bối cảnh trong nước, quốc tế chưa thuận lợi khác.
Kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2021 đạt 51,38 điểm, cho thấy các địa phương cần tiếp tục tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Nhóm tỉnh/thành được đánh giá thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 13 địa phương, với sự góp mặt của nhiều tỉnh và thành phố lớn; trong đó, có 3 tỉnh thăng hạng vượt bậc so với năm 2020 (Hưng Yên, Hà Nam và Bình Dương).
Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước năm 2021 với 65,28 điểm. Hải Phòng đạt 64,09 điểm; Quảng Ninh đạt 63,10 điểm; Hà Nội đạt 62,46 điểm; Hưng Yên 62,43 điểm.
Đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, với đặc điểm chung là những hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
[Infographics] HDI của Việt Nam chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm cao
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày, thảo luận về những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu đã đã được xây dựng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.
17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hoá trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Đến nay, về cơ bản, các chính sách hướng dẫn chung để cụ thể hoá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ, góp phần rất lớn vào việc quốc gia hóa và thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc APD cho biết, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tiến sỹ Lê Việt Anh, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã được được những kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu 1, đặc biệt tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 3,36% năm 2022.
“Việt Nam vẫn tiếp tục đảm bảo để không ai bị thiếu đói, đảm bảo an ninh lương thực, duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản góp phần tăng thu nhập cho người lao động nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững hơn," Tiến sỹ Lê Việt Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc thực hiện mục tiêu 16 tiếp tục được thúc đẩy trong giai đoạn vừa qua, theo đó, tình trạng bạo lực đối với trẻ em và tình trạng tham nhũng có xu hướng giảm, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công được cải thiện.
Để tiếp tục duy trì được tiến độ thực hiện mục tiêu này, Tiến sỹ Lê Việt Anh cho biết, các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực, chống tham nhũng và phát huy vai trò, sự tham gia của người dân cần thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới./.