Chấp thuận xử lý điểm tiềm ẩn TNGT dốc Bòng Bong trên QL21

07:59 - 02/08/2023

Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương xử lý điểm tiềm ẩn TNGT tại Km94 - Km95 (dốc Bòng Bong) trên QL21 thuộc huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình.

 

Chấp thuận xử lý điểm tiềm ẩn TNGT dốc Bòng Bong trên QL21 - Ảnh 1.

Dốc Bòng Bong Km94-Km95 QL21 huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) chủ trì phối hợp với Sở GTVT Hòa Bình rà soát kinh phí, giải pháp xử lý và hoàn thiện hồ sơ xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại Km94 - Km95 QL21 theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012; Thông tư số 41/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ; cho phép chuẩn bị đầu tư, thẩm định phê duyệt dự án công trình xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại Km94- Km95 QL21 theo quy định.

Trên cơ sở quyết định phê duyệt dự án xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại Km94 - Km95 QL21, Cục ĐBVN tổng hợp trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh kế hoạch bảo trì năm 2023 và bố trí vốn trong kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023 – 2024 để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo ATGT trên tuyến QL21 đoạn qua địa bàn huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Chấp thuận xử lý điểm tiềm ẩn TNGT dốc Bòng Bong trên QL21 - Ảnh 2.

Được biết, QL21, đoạn qua tỉnh Hòa Bình có chiều dài 21km, quy mô cấp IV miền núi. Hiện đang tồn tại điểm tiềm ẩn TNGT tại Km94 - Km95; đây là đoạn đèo dốc quanh co (cua tay áo) địa hình khó khăn, vực sâu, độ dốc dọc lớn (Id= 8% ÷ 12%); cục bộ có đường cong nằm chỉ đạt R=25m, khuất nhìn, mặt đường trơn trượt khi ẩm ướt, các phương tiện đi lại rất khó khăn, nhất là các xe dài có trọng tải lớn như (xe container, xe đầu kéo rơ mooc, sơ mi rơ mooc) nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông là rất cao.

Theo số liệu tai nạn giao thông do Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cung cấp và báo cáo của đơn vị quản lý đường bộ từ ngày 02/7/2021 đến 17/11/2021, trên đoạn tuyến đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm 01 người bị thương, hư hỏng 01 xe ô tô và 03 xe mô tô.

Trao đổi với Tạp chí GTVT ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, qua nghiên cứu thực địa và nhu cầu của địa phương chúng tôi đề xuất 2 phương án xóa điểm đem trên tuyến QL21 cụ thể:

Phương án 1: Điều chỉnh tim tuyến sang bên phải tuyến, để tăng bán kính đường cong nằm từ R=25m thành 60m; kết hợp giảm độ dốc dọc từ 8-12% thành Imax=6,5%; hoàn trả mặt đường, thoát nước; tăng cường tường phòng hộ tại vị trí nguy hiểm và bổ sung hệ thống ATGT; kinh phí khoảng 35 tỷ đồng (trong đó chi phí đền bù GPMB khoảng 7,0 tỷ đồng). Phương án này, cơ bản bám theo đường cũ, khối lượng đào đắp thấp, ít ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Phương án 2: Điều chỉnh tim tuyến sang bên trái tuyến (cách tim đường cũ khoảng 50÷200m), bán kính đường cong nằm đảm bảo Rmin=90m, độ dốc dọc lớn nhất Imax=8%; hoàn trả nền mặt đường, thoát nước và bổ sung hệ thống ATGT; kinh phí khoảng 89 tỷ đồng (trong đó chi phí đền bù GPMB tái định cư 07 hộ dân, khoảng 15,6 tỷ đồng). Phương án này cơ bản cải tạo được bình đồ tuyến. Tuy nhiên, do đi theo tuyến mới nên khối lượng đào nền đường lớn, phải di chuyển nhiều hộ dân nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống dân cư; kinh phí đầu tư lớn.

Cũng theo ông Hậu, về cơ bản, cả hai phương án đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên do phương án 2 có chi phí đầu tư quá lớn, khối lượng GPMB lớn, khó khăn khi phải di dời tái định cư cho 07 hộ dân. Do đó Sở GTVT Hòa Bình kiến nghị chọn phương án 1, với chi phí đầu tư khoảng 35 tỷ.