Cấp thiết sửa chữa cầu Lệ Bắc trên QL25 qua tỉnh Gia Lai
07:16 - 06/11/2024
Cầu Lệ Bắc nằm trên QL25, thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai xuất hiện tình trạng xói lở móng trụ cầu, khả năng ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định, chất lượng, tuổi thọ công trình, uy hiếp an toàn khai cầu.
Nguy cơ mất an toàn khai thác
Cầu Lệ Bắc được xây dựng năm 1996 và đưa vào sử dụng năm 2000, với chiều dài toàn cầu là 433,1m. Cầu có kết cấu nhịp gồm 19 nhịp giản đơn dầm bê tông cốt thép (BTCT) thường dài 22,15m. Bề rộng cầu B=7+2x1,25=9,5m, lề bộ hành khác mức với mặt cầu xe chạy, lan can tay vịn bằng BTCT. Kết cấu gồm 6 dầm BTCT thường tiết diện chữ "T", chiều dài nhịp 22,15m.
Ông Hà Anh Thái, Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho biết, thời gian qua Sở GTVT đã phối hợp với đơn vị Tư vấn (Trung tâm kỹ thuật đường bộ 3) khảo sát, kiểm tra đánh giá thực trạng toàn bộ kết cấu cầu Lệ Bắc. Qua kết quả khảo sát, hiện tại một số dầm chủ bị bong rỗ bê tông đáy dầm, cục bộ có một số vị trí đầu dầm chủ bị vỡ bê tông. Các dầm ngang được liên kết với nhau dạng mối nối khô (thông qua thép tấm và đường hàn, hiện tại nhiều mối nối bị gỉ). Đặc biệt các trụ T2, T3, T4, T5, T6, T7, T8,T9, T17, T18 đều bị tình trạng xói lở cục bộ dưới đáy bệ trụ với chiều cao xói từ mặt đất đến đáy bệ trụ trung bình ≤ 1 m.
Qua các đợt mưa bão và mưa lớn kéo dài, đồng thời các hồ thủy lợi, 4 thủy điện xả lũ, mực nước sông Ba chảy qua cầu Lệ Bắc dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn gây xói lở lòng cầu và tình hình diễn biến xói vẫn có thể tiếp tục phát triển. Với hiện trạng xói lở móng cọc như trên, nguy cơ mất ổn định và gây sự cố công trình là rất lớn. Đối với bờ sông sát trụ T1 đã được gia cố bằng hệ cọc thép hình I300 kết hợp giằng cọc bằng thép C200. Tuy nhiên phạm vi bờ sông bên phải (phía thượng lưu) trụ T1 chịu ảnh hưởng của hướng dòng chảy, nên có nguy cơ bị xói rất cao. Qua thời gian khai thác, hiện tại một số vị trí dầm chủ bị hư hỏng, bong vỡ bê tông lộ cốt thép. Các dầm ngang được liên kết với nhau thông qua thép tấm và đường hàn, hiện tại nhiều mối nối bị gỉ. Với các yếu tố kỹ thuật của cầu và tình trạng hư hỏng như trên, nguy cơ mất ổn định và gây sự cố công trình là rất lớn do vậy cần thiết đầu tư sửa chữa ngay các hư hỏng hiện có, nâng cao khả năng chịu lực của cầu.
Cần sửa chữa khẩn cấp
Theo báo cáo của Sở GTVT Gia Lai, năm 2011 cầu được gia cố bằng rọ đá và cọc thép để chống xói bờ sông phía thượng lưu tại mố M1 và trụ T1. Sau khi kè rọ đá phần hở giữa kè rọ đá và mặt đất tự nhiên được lấp kín bằng đá xô bồ. Dọc theo chiều dài gia cố, dưới chân rọ đá phía tiếp giáp với dòng chảy đổ đá xô bồ để chống xói cho chân kè.
Năm 2022 cầu đã được kiểm định với kết quả tính toán đánh giá cầu khai thác được với tải trọng HL93, không cần cắm biển hạn chế tải trọng. Năm 2022 cầu Lệ Bắc được sửa chữa cào bóc lớp mặt cầu hư hỏng, thảm bê tông nhựa hoàn trả mặt cầu; trám vá một số vị trí lề bộ hành bị hư hỏng và thay thế khe co giãn hư hỏng bằng khe co giãn bản thép dạng răng lược.
Tháng 10/2024 khi phát hiện nguy cơ mất an toàn khai thác cầu, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý cắm các biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe – 45m" gắn kèm biển phụ "Cầu yếu – Xe ô tô qua từng chiếc một" và biển báo "Tốc độ tối đa cho phép 40Km/h" để cảnh báo các phương tiện khi qua cầu.
Cũng theo ông Hà Anh Thái, qua số liệu khảo sát tình trạng xói lở lòng cầu, tham khảo hồ sơ hoàn công xây dựng cầu năm 2000 nhận thấy: các trụ T2-T10 và T16-T18 (12 trụ) là các trụ nằm ở vị trí ảnh hưởng trực tiếp của dòng chảy, đã bị xói sâu, lộ các hàng cọc cần thiết sửa chữa gia cường ngay; bờ sông bên phải (phía thượng lưu) sát vị trí trụ T1 chịu ảnh hưởng của hướng dòng chảy khả năng bị xói cao nên cần gia cố chống xói; các trụ còn lại đã bị xói nhưng chiều sâu xói đều ≤1m vì vậy tiếp tục theo dõi tình trạng xói lở trong quá trình khai thác. Để đảm bảo ổn định và kéo dài tuổi thọ của cầu, tránh sự cố công trình gây ra, hạn chế các phát sinh hư hỏng mới, đảm bảo ATGT.
Sở GTVT Gia Lai đề xuất Cục ĐBVN cho phép sửa chữa đột xuất cầu Lệ Bắc trong năm 2024 và năm 2025 với giải pháp kỹ thuật như: Sửa chữa gia cường kết cấu trụ cầu: Đối với trụ T1: Xây dựng kè chống xói lở bờ sông sát trụ T1 bằng rọ đá bọc nhựa, có gia cố hệ cọc thép hình. Đối với các trụ T2-T10 và trụ T16-T18 (12 trụ): Mỗi trụ bổ sung 06 cọc khoan nhồi đường kính 1,2m, chiều dài cọc dự kiến là Ldk=35m (dự kiến chống vào tầng đá); bổ sung bệ trụ mới bằng BTCT 30Mpa dưới bệ trụ cũ để nâng đỡ toàn bộ kết cấu trụ hiện tại. Sửa chữa kết cấu nhịp: Đối với các vị trí dầm chủ bị hư hỏng, tiến hành đục tẩy và trám vá bằng vữa chuyên dụng. Sửa chữa dầm ngang, căng cáp dự ứng cho các dầm ngang. Dự kiến kinh phí khoảng 55 tỷ đồng.
Nguồn: Cấp thiết sửa chữa cầu Lệ Bắc trên QL25 qua tỉnh Gia Lai | Tạp chí Giao thông vận tải