Trong năm 2022, liên tiếp hai triển lãm mỹ thuật được cơ quan chức năng cấp phép nhưng lại không diễn ra trọn vẹn. Có triển lãm phải đóng cửa sớm hơn dự định, có triển lãm phải dừng ngay trước giờ khai mạc khiến công chúng yêu nghệ thuật “chưng hửng.”
Trước thực tế đó, nhiều nghệ sỹ và chuyên gia mỹ thuật đã đặt câu hỏi về quy trình thẩm định tác phẩm và cấp phép triển lãm hiện nay liệu đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì?
‘Một cửa chính và nhiều cửa sổ’
Nói đến quy trình xin giấy phép tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhà nghiên cứu-phê bình Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng “còn nhiều bất cập.”
Những năm gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện quy chế “một cửa” tạo điều kiện thuận lợi cho họa sỹ và đơn vị tổ chức triển lãm xin giấy phép trực tuyến. Song, thực tế người xin giấy phép vẫn phải qua “nhiều cửa.” Cụ thể là ngoài nộp hồ sơ trực tuyến, họa sỹ vẫn phải nộp ảnh chụp của tất cả các tác phẩm sẽ được trưng bày với lý do là các thành viên hội đồng duyệt cần xem “bản cứng” để có cái nhìn chuẩn xác hơn.
[Trưng bày 69 tác phẩm mỹ thuật tại triển lãm 'Còn mãi với thời gian']
Ông Vũ Huy Thông cho rằng việc in ảnh, nếu cần, là nhiệm vụ của cơ quan nhận hồ sơ chứ không phải của họa sỹ.
“Giả sử họa sỹ cư trú ở các địa phương khác muốn xin phép triển lãm tại Hà Nội sẽ mất công đi lại để nộp ảnh tác phẩm. Việc làm này trái với quy định ‘một cửa’,” ông nói.
Ngoài ra, hồ sơ yêu cầu họa sỹ phải có hợp đồng thuê địa điểm triển lãm. Ông Thông cũng không tán thành với nội dung này, bởi thực tế nếu triển lãm được cấp phép thì họa sỹ mới đi thuê địa điểm tổ chức.
Ngoài ra, ông Vũ Huy Thông cho rằng việc triển lãm đã được cấp phép tổ chức, báo chí đã tuyên truyền rầm rộ nhưng rồi triển lãm lại không được diễn ra có thể tạo hiệu ứng tiêu cực trong dư luận và nghệ sỹ.
Họa sỹ Lê Huy Tiếp, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng dư luận sẽ đặt câu hỏi rằng hội đồng nghệ thuật và cơ quan cấp phép liệu có đủ năng lực chuyên môn hay không? Ngoài ra, với các nghệ sỹ trẻ thì họ có thể hình thành tâm lý rụt rè, không dám bứt phá sáng tạo vì e ngại triển lãm của mình có thể không được duyệt.
Hậu kiểm và dán nhãn triển lãm mỹ thuật
Đề xuất giải pháp cho quy trình thẩm định và cấp phép triển lãm, họa sỹ Lê Huy Tiếp cho rằng “đã đến lúc cần hậu kiểm và dán nhãn cho mỹ thuật” như đối với tác phẩm điện ảnh.
“Với nhiều năm kinh nghiệm kiểm duyệt tác phẩm mỹ thuật, tôi cho rằng việc thẩm định các tác phẩm trên hồ sơ là không đủ. Lý do là những tấm ảnh chụp tác phẩm quá nhỏ so với bức tranh trong thực tế, khiến cho chúng tôi không nhìn ra hết các vấn đề,” ông chia sẻ.
Nhà nghiên cứu-phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông cũng đề xuất việc hậu kiểm, nghĩa là hội đồng nghệ thuật cần đến tận nơi xem trực tiếp tác phẩm trước giờ khai mạc triển lãm.
Ngoài ra, ông kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định về nội dung tác phẩm.
Với yêu cầu tác phẩm không được “tuyên truyền chống lại Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa” thì nghệ sỹ có thể dễ dàng tránh được. Còn nội dung “vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục” thì nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho rằng hiện nay còn khá mơ hồ, gây ra nhiều tranh cãi.
“Triển lãm ‘Cõi Hồ Xuân Hương’ gần đây gây xôn xao dư luận vì một số tác phẩm ‘phản cảm,’ tôi cho rằng họa sỹ không có ý định là vẽ bà Hồ Xuân Hương như vậy. Họ chỉ minh họa cho người phụ nữ trong tứ thơ của bà mà thôi. Tất nhiên, đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, nền mỹ thuật hiện đại cần những quy định cụ thể hơn,” ông nói.
Là người đứng ra xin giấy phép cho nhiều triển lãm nhóm, trong đó có cả triển lãm nghệ thuật nude (khỏa thân), họa sỹ Nguyễn Minh (Minh Phố) cho rằng quy trình cấp phép nghệ thuật cần đảm bảo 2 yếu tố: Hành lang pháp lý rõ ràng và hội đồng thẩm định cần chuyên môn nghệ thuật cao. Thực tế, họa sỹ Nguyễn Minh và nhiều nghệ sỹ khác vẫn đang tự “mò mẫm” đoán xem tác phẩm nào có thể bị loại dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
“Hội đồng thẩm định hiện nay gồm có các chuyên gia nghệ thuật, những nhà quản lý văn hóa, những người có chuyên môn về an ninh-chính trị… Tôi cho rằng yếu tố chuyên môn nghệ thuật cần phải được chú trọng trong các thành viên hội đồng,” họa sỹ kiến nghị.
Trước ý kiến hậu kiểm hay dán nhãn triển lãm, họa sỹ Nguyễn Minh cho rằng cần có giải pháp căn cơ hơn là giáo dục về mỹ thuật cho giới trẻ để nâng cao nhận thức và sự nhạy cảm với nghệ thuật trong công chúng.
“Với các triển lãm có yếu tố nhạy cảm như nghệ thuật nude, chúng ta chỉ mời các khán giả đến xem khi họ đã có nhận thức đầy đủ về cái đẹp, ý nghĩa tác phẩm, tránh việc các bạn trẻ đến xem chỉ vì tò mò rồi đưa ra những bình luận thiếu tính nghệ thuật,” họa sỹ chia sẻ.
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về quy trình cấp phép triển lãm, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết theo Nghị định số 113/2013/NĐ-CP, các triển lãm có quy mô quốc gia, quốc tế sẽ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cấp giấy phép còn các triển lãm tại địa phương do ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố cấp giấy phép.
Bà Nguyễn Hằng Nga thừa nhận công tác cấp giấy phép còn nhiều khó khăn, tồn tại trong công tác kiểm định tác phẩm.
“Hồ sơ xin giấy phép yêu cầu họa sỹ nộp ảnh chụp tác phẩm kích thước 10x15cm, trong khi đó, tác phẩm thực tế lớn hơn nhiều. Do đó, khi thẩm định, hội đồng không nhận ra một số chi tiết không phù hợp,” bà Nga cho biết.
Trước thực tế gần đây có 2 triển lãm “Điện Biên Phủ” và “Cõi Hồ Xuân Hương” đã được cấp phép song lại không diễn ra hoặc dừng trước thời hạn, bà Nga cho hay Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có ý kiến trao đổi với đơn vị cấp giấy phép là Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội để chấn chỉnh công tác thẩm định.
“Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình cấp phép và tìm phương án để khắc phục các hạn chế trong thời gian tới,” bà Nga khẳng định./.