Cấp phép bay cho 2 hãng hàng không đi và đến cảng hàng không Điện Biên
20:54 - 20/11/2023
Cục Hàng không VN đã cấp quyền vận chuyển hàng không và cấp phép bay cho Vietnam Airlines đối với chặng Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội (HAN - DIN - HAN) và Vietjet Air đối với chặng thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên - thành phố Hồ Chí Minh (SGN – DIN – SGN).
Thông tin từ Cục Hàng không VN cho hay, Cục vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về công tác chuẩn bị để đưa CHK Điện Biên vào khai thác trở lại từ ngày 02/12/2023.
Trong đó, các công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp đã được lãnh đạo Cục Hàng không VN khẩn trương triển khai rốt ráo. Cục đã có văn bản đôn đốc Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) để đưa Cảng hàng không Điện Biên vào khai thác trở lại từ ngày 02/12/2023; hoàn thành việc thẩm định hệ thống tài liệu của Cảng; hoàn thành kiểm tra, hiệu chuẩn các hệ thống/thiết bị dẫn đường, giám sát hàng không.
Ngoài ra, phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức bay giả định (bay SIM) với loại tàu bay A320 để đánh giá phương thức bay tại Cảng; tổ chức cuộc họp chuẩn bị khai thác đường cất hạ cánh mới tại Cảng với đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất phương án khai thác đường cất hạ cánh mới tại Cảng hàng không Điện Biên...
Đồng thời, Cục Hàng không VN đã cấp quyền vận chuyển hàng không và cấp phép bay cho Vietnam Airlines đối với chặng Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội (HAN - DIN - HAN) và Vietjet Air đối với chặng thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên - thành phố Hồ Chí Minh (SGN – DIN – SGN).
Để đáp ứng tiến độ đưa vào khai thác Cảng hàng không Điện Biên từ ngày 02/12/2023 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng không VN vừa kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu xây dựng các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, Nhà ga hành khách tại Cảng ngay sau khi ACV hoàn thành công tác nghiệm thu và có văn bản thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành các hạng mục công trình trước ngày 28/11/2023 để Cục có cơ sở chấp thuận đưa các hạng mục công trình vào khai thác và cấp phép cho chuyến bay đánh giá phương thức bay (có hạ cánh) dự kiến ngày 29-30/11/2023. Đồng thời, Cục HKVN sẽ tổ chức Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Cảng từ ngày 24/11/2023 và hoàn thành trước ngày 28/11/2023.
Trước đó, sau 6 tháng đóng cửa để nâng cấp, mở rộng, sân bay Điện Biên chính thức mở cửa từ ngày 30/11 tới đây với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên bằng dòng máy bay hiện đại Airbus A321 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Đây là dòng máy bay được Hãng sử dụng để khai thác trên các đường bay khu vực châu Á và các đường bay nội địa. Đội máy bay A321 của Vietnam Airlines có 3 loại cấu hình 178 ghế, 184 ghế và 203 ghế.
Từ ngày 2/12/2023, Vietnam Airlines sẽ khai thác các chuyến bay thường lệ Hà Nội – Điện Biên với tần suất 7 chuyến/tuần vào tất cả các ngày trong tuần. Chuyến bay khởi hành từ Hà Nội lúc 13h05 và đến Điện Biên lúc 14h05. Chiều về khởi hành từ Điện Biên lúc 14h45, hạ cánh tại Hà Nội lúc 15h35.
Được biết, Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.
Cùng đó, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công từ tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư 1.467,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn của ACV. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I. Công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên đã được tỉnh triển khai, đảm bảo tiến độ và phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt của Cảng hàng không Điện Biên.
Cảng hàng không Điện Biên là một trong những sân bay chính của lực lượng Phòng không - Không quân tại khu vực chiến trường phía Tây Bắc, là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Vị trí chiến lược đặc biệt này là cầu nối giữ vị trí xung yếu, then chốt; là mắt lưới rất quan trọng đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc nói riêng và đất nước nói chung.
Trước đó, do địa thế khu vực lòng chảo và điều kiện thời tiết vùng núi nhiều mây hiện chỉ đáp ứng khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR-72, Embraer-190 và tương đương. Do đó, việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để khai thác các loại tàu bay A320/A321 và tương đương với hệ thống trang thiết bị, phương thức tiếp cận hạ cánh mới có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng - an ninh trong xu thế mới, đảm bảo yêu cầu bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.
Về mặt hàng không dân dụng, Cảng hàng không Điện Biên có vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Việc đảm bảo khai thác hàng không dân dụng tại Cảng hàng không Điện Biên phá vỡ thế độc đạo, đảm bảo kết nối Điện Biên với các vùng kinh tế của đất nước. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, đối với sự phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa miền núi và hải đảo.
Trước khi khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (ngày 22/1/2022), Cảng hàng không Điện Biên có kết cấu hạ tầng chính gồm: 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 m x 30 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR-72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).
Do đó, để Cảng hàng không Điện Biên có thể đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2.400 m x 45 m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5 m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60 m x 100 m, kết cấu bê tông nhựa; Xây dựng đường lăn nối cách đầu 17 khoảng cách 500 m, kết cấu bê tông xi măng; Xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I...
Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, Khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; Tầng 2 là Khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.