Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã một mặt tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, mặt khác tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh; có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng; có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế vừa là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, vừa góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm trên biển

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ quản lý, duy trì an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, Cảnh sát biển Việt Nam đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Việc hợp tác quốc tế của lực lượng Cảnh sát biển thực hiện trên nguyên tắc Điều 19 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, quy định: "Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển. Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển."

Thực tế cho thấy, sự chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ của Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên tinh thần hợp tác, phát triển, hội nhập đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình, ổn định trên vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác đối ngoại Cảnh sát biển góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có thiết lập, xây dựng quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước đi vào chiều sâu.

[Cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật trên biển]

Điều đó có thể thấy qua việc Cảnh sát biển Việt Nam đã ký Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia, Ý định thư với Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) năm 2017, Ý định thư với Malaysia năm 2019.

Từ các văn bản này, nhiều hoạt động hợp tác  đã đi vào thực chất, hiệu quả với các nước, trong đó có các hoạt động góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam.

Mới đây, Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia đã có cuộc họp rút kinh nghiệm lần thứ 3 về thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa hai lực lượng.

Tại cuộc họp, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng; phối hợp chia sẻ thông tin về chống IUU, hỗ trợ ngư dân hai bên trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Hai bên phối hợp, hỗ trợ trong tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

Hàng năm, hai bên trao đổi đoàn cấp vùng giữa Sở chỉ huy chiến thuật tiền phương của Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; tổ chức họp rút kinh nghiệm lần thứ 4 về thực hiện Nghị định thư tại Campuchia vào quý 3/2023; tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương về thực thi pháp luật trên biển, an ninh hàng hải mà hai cơ quan là thành viên.

Canh sat bien Viet Nam nang cao hieu qua hop tac quoc te hinh anh 1Cảnh sát biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc thực hiện nghi thức chào xã giao trên biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước đó, vào cuối năm 2021, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải giữa hai lực lượng. Bản ghi nhớ này chính là công cụ, hành lang, cơ chế để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả, giải quyết tốt các vụ việc trên biển.

Đây cũng là dấu mốc quan trọng mở ra một trang hợp tác sâu sắc hơn, toàn diện hơn trong mối quan hệ song phương giữa hai bên, là một trong các biện pháp tạm thời trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, góp phần giữ gìn vùng biển trong khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hợp tác với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh

Không chỉ tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực về đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam còn tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh.

Trong hợp tác với Hoa Kỳ và các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... hiện thực hóa đường lối của Đảng về kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, quyết liệt.

Nhờ đó, có nhiều nước đã sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả về trang bị, tàu thuyền, cơ sở vật chất hậu cần và công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực, kiến thức về pháp luật, an ninh, an toàn trong thực thi pháp luật trên biển.

Nổi bật là trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật phi dự án "Đào tạo tăng cường năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam", Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tổ chức khóa tập huấn cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Phú Quốc trong ba ngày (15-17/8) nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Cảnh sát biển Việt Nam và tăng cường giao lưu, hợp tác, hiểu biết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam nói chung, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Nhật Bản nói riêng.

Các chuyến thăm, giao lưu của tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến Ấn Độ và Nhật Bản những năm gần đây đã góp phần nâng cao vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Không chỉ là cơ hội để tổ chức huấn luyện, rèn luyện cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam có bản lĩnh, kinh nghiệm, sức chịu đựng và khả năng điều động tàu đi xa, dài ngày trên biển, đây còn là cơ hội nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời tạo sự chủ động, bản lĩnh, cân bằng và đối đẳng trong quan hệ hợp tác giữa các nước lớn.

Trong bối cảnh và tình hình mới, hợp tác đa phương có vai trò giải quyết các thách thức toàn cầu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và các nỗ lực chung vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Vì thế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn đa phương.

Điển hình là Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP). Đây là cơ chế đa phương mà Cảnh sát biển Việt Nam tham gia đầy đủ nhất, thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia Hội đồng điều hành, là đầu mối quốc gia về chia sẻ thông tin, cùng nhiều cơ chế diễn đàn như: Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM); Diễn đàn Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI); Các hoạt động trong khuôn khổ do Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức; Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu (CGGS).

Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình mới, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển, Cảnh sát biển các nước, ưu tiên các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp với nước ta và các đối tác truyền thống.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động đối ngoại, Cảnh sát biển Việt Nam mang thông điệp hợp tác, phát triển và hội nhập đến với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước. Từ đó, góp phần giữ vững sự ổn định hướng biển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc./.

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)