Canh sat bien Viet Nam kien quyet xu ly vi pham phap luat tren bien hinh anh 1Kiểm tra tàu chở dầu DO bất hợp pháp trên vùng biển Tây. (Ảnh: TTXVN phát)

Thông tin từ Cảnh sát biển Việt Nam cho biết lực lượng này đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất-nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, nhất là trên vùng biển, với phương thức, thủ đoạn thực hiện tinh vi, cấu kết chặt chẽ hơn.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện có tổ chức, đường dây chặt chẽ; tập trung tại các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam; các mặt hàng chủ yếu là xăng dầu, than, pháo nổ, khoáng sản, hàng gia dụng...

Đối với mặt hàng than, một số đối tượng thành lập công ty có chức năng xuất-nhập khẩu, kinh doanh than, ký hợp đồng mua bán với nước ngoài nhưng thực tế lại mua than của tàu nước ngoài ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau đó, vận chuyển vào nội địa, pha trộn với các loại than khác để tiêu thụ.

[Hải Phòng: Cảnh sát biển tạm giữ 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc]

Đối với mặt hàng xăng dầu, phương thức tiến hành giao dịch nhanh gọn, bên mua và bên bán nhận nhau qua ám, tín hiệu, cách thức thanh toán do chủ hai bên quyết định và diễn ra trong đất liền.

Canh sat bien Viet Nam kien quyet xu ly vi pham phap luat tren bien hinh anh 2Lực lượng Bộ Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Cục Hải quan tỉnh Bình Phước triệt phá thành công một đường dây tổ chức vận chuyển trái phép chất ma túy trên biển thu giữ 32kg ma túy các loại. (Ảnh: TTXVN phát)

Tội phạm ma túy tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các đối tượng hình thành đường dây chặt chẽ, ma túy được vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, xuống địa bàn ven biển tiêu thụ hoặc chuyển ra nước ngoài bằng đường biển.

Tại các địa bàn ven biển, tình trạng mua bán và sử dụng các loại ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng.

Trước diễn biến phức tạp trên, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường các tổ, đội trinh sát trên các tuyến, khu vực biển trọng điểm; sử dụng hiệu quả tàu dân sự, cơ sở mật, nắm chắc hoạt động của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và địa bàn liên quan; chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng xác lập các chuyên án đấu tranh quyết liệt, hiệu quả.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực biển trọng điểm, kết hợp giữa lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai với lực lượng trinh sát bí mật trên các tuyến biển. Duy trì từ 20-25 chiếc tàu trực thường xuyên và hoạt động tại các khu vực biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý các tình huống bằng biện pháp pháp luật.

Cũng theo Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều đơn vị trong lực lượng đã chủ động, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và những nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Đặc biệt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sát tình hình thực tiễn, lực lượng đã giúp bà con, ngư dân làm ăn trên các vùng biển, đảo nắm bắt chức năng, nhiệm vụ, quyền của Cảnh sát biển Việt Nam như được phép huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự tham gia xử lý các tình huống theo đúng quy định tại Điều 16, Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.

Chính vì vậy, thời gian qua, bà con, ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đảo đã tích cực cung cấp thông tin về an ninh, trật tự, an toàn, góp phần cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển.

Quá trình đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, cám dỗ, thậm chí cả móc nối, mua chuộc.

Tuy nhiên, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 212 của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển về Phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống,” toàn lực lượng đã giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý các vụ việc vi phạm, phạm tội theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, tuyệt đối không có trường hợp chỉ đạo, yêu cầu hoặc can thiệp vào xử lý vi phạm; không để xảy ra oan sai, khiếu kiện.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, chỉ huy đến mỗi cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng và sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng liên quan, chỉ tính 8 tháng năm 2022, Cảnh sát biển Việt Nam đã đấu tranh, triệt phá thành công 227 vụ án, chuyên án với 387 đối tượng vi phạm; tịch thu hơn 400 tấn than, hơn 3 triệu lít dầu DO, hơn 100.000 lít xăng và hơn 102.000 kg dầu FO, 466,6kg pháo, 41 bánh heroin, gần 50.000 viên và 63,42kg ma túy tổng hợp...

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật tịch thu, phát mại hàng hóa thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 70 tỷ đồng./.

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)