Cảnh báo triều cường gây ngập cục bộ một số địa phương ở Hậu Giang

13:48 - 01/11/2024

Do ảnh hưởng triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc và có thể kết hợp với mưa tại chỗ, tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hai đợt mực nước cao gây ngập lụt cục bộ.

Mực nước cao trên sông Hậu kết hợp với triều cường (đầu tháng 9 âm lịch). (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)
 
Ads (0:00)
 
 
 
 
 
Mực nước cao trên sông Hậu kết hợp với triều cường (đầu tháng 9 âm lịch). (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc và có thể kết hợp với mưa tại chỗ, tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hai đợt mực nước cao gây ngập lụt cục bộ.

Triều cường đợt đầu tháng 10 Âm lịch kết hợp với gió mùa Đông Bắc làm mực nước cao nhất xuất hiện từ ngày 2-6/11. Mực nước tại trạm thủy văn Phụng Hiệp cao nhất từ 1,67-1,72 m (trên báo động III từ 0,27 - 0,32 m), tại trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,87-0,92 m (trên báo động III từ 0,12-0,17 m) gây ngập với mức độ từ trung bình đến nặng.

Đối với đợt triều cường Rằm tháng 10 kết hợp với gió mùa Đông Bắc và có khả năng kết hợp với mưa, mực nước đỉnh triều cường xuất hiện từ ngày 17-20/11.

Dự báo mực nước tại trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,6-1,68 m (trên báo động III từ 0,2-0,28 m), tại trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,82-0,87 m (trên báo động III từ 0,07-0,12 m) gây ngập với mức độ nhẹ, trung bình.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng-Thủy văn tỉnh cho biết, tháng 11, hoạt động của nhiễu động trên cao, vùng áp thấp, triều cường và các loại hình thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, ngập lụt, sạt lở đất còn diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương cần cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo và có phương án chủ động phòng, tránh nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Đoàn cũng khuyến cáo người dân cần che, vây bờ ao cá, đắp bờ bao vườn cây ăn trái, chuẩn bị máy bơm để bơm nước ra khi ngập lụt kéo dài. Những đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, chính quyền địa phương cần cắm biển báo và người dân chú ý đưa đón con em đi học trong thời gian đỉnh triều cao, ngăn các em nhỏ và học sinh tắm sông.

Các phương tiện đò ngang, đò dọc, thuyền, ghe hoạt động trên sông cần di chuyển chậm để hạn chế sóng mặt, hạn chế nguy cơ sạt lở bờ và tránh xa dòng chảy xoáy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có công văn đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường theo dõi thông tin dự báo, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn để dự báo, cảnh báo sớm được khả năng xuất hiện và diễn biến của triều cường để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo ngăn lũ triệt để giảm bớt thiệt hại; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình trạng các đê bao, bờ bao; xác định vị trí xung yếu và đề xuất biện pháp khắc phục.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án phòng, chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, vùng sản xuất cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản; vận động người dân thu hoạch các diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

Cùng với đó, tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó như ngăn nước vào nhà, kê cao đồ đạc, ngắt các thiết bị điện khi nhà bị ngập./.

Nguồn: Cảnh báo triều cường gây ngập cục bộ một số địa phương ở Hậu Giang | Vietnam+ (VietnamPlus)