Chiều 31/10, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết trong 10 ngày đầu tháng 11/2024, sẽ có nhiều loại hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền Việt Nam, nhất là khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm
Thông tin cụ thể về diễn biến thời tiết trên biển, ông Khiêm cho biết trong những ngày tới, ở vùng biển phía Nam Biển Đông có khả năng hình thành vùng xoáy thấp gây ra tình trạng mưa dông và nguy cơ gió giật mạnh trên khu vực giữa và nam của Biển Đông. "Không loại trừ trường hợp vùng xoáy thuận có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới làm gia tăng tình trạng thời tiết xấu ở khu vực giữa và nam của Biển Đông," ông Khiêm lưu ý.
Cũng trong 10 ngày tới, khu vực phía Bắc còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Đáng chú ý nhất là đợt không khí lạnh tăng cường vào giai đoạn khoảng từ ngày 4-7/11 với cường độ mạnh. Đợt không khí lạnh tăng cường này sẽ khiến khu vực bắc và giữa của Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển tăng cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Còn trên đất liền, ông Khiêm dự báo trong giai đoạn từ khoảng ngày 3-10/11, tại khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng tổ hợp của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: Vùng xoáy thấp ở nam và giữa Biển Đông; ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường cộng với đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1.500-5.000m. Đây là một hình thái thời tiết gây mưa đặc biệt lớn điển hình ở các tỉnh miền Trung.
“Chúng tôi dự báo đây là đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi,” ông Khiêm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khiêm, vùng mưa lớn trên không chỉ tập trung ở chính các tỉnh đã có mưa rất lớn trong những ngày qua (từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng), mà còn mở rộng ra phần phía Nam (các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên).
Sau ngày 10/11, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mưa lớn ở khu vực miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn. Trong đó, khoảng thời gian nửa đầu tháng 11, mưa sẽ tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi; nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, mưa tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.
Ngoài ra theo tính toán của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tác động của không khí lạnh và nhiễu gió Đông cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến thời tiết của các tỉnh phía Bắc. Dự báo ở khu vực Bắc Bộ từ khoảng đêm 4/11 trở đi có thể xảy ra đợt rét đầu tiên của mùa Đông năm 2024-2025.
Chính quyền và người dân cần lưu ý gì?
Trước xu thế thời tiết nguy hiểm trên, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - ông Mai Văn Khiêm, nhấn mạnh đối với khu vực vùng biển, ngư dân cần đặc biệt lưu ý tình trạng thời tiết xấu, mưa dông gió mạnh, sóng cao, có thể sẽ gây nguy hiểm cho tàu thuyền, khu vực có lồng bè nuôi trồng thủy sản và công trình ven biển.
Còn trên đất liền, theo ông Khiêm, tình hình đáng ngại nhất là mưa lũ ở miền Trung. “Trong giai đoạn từ ngày 26-30/10, các tỉnh ở Trung Bộ đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa nên chúng tôi cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực này; tình trạng ngập úng diện rộng cũng có khả năng xảy ra,” ông Khiêm nói.
Trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, theo ông Khiêm, việc đảm bảo an toàn của các hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng là mối quan tâm lớn đối với các chính quyền địa phương và người dân.
Ngoài các lưu ý trên, ông Khiêm cũng kiến nghị ban chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên: Cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai được ban hành theo quy định; thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/; hướng dẫn các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai rà soát các điểm xung yếu lũ quét và sạt lở, tắc nghẽn dòng chảy trên sông, suối để kịp thời phòng tránh, ứng phó.
Các cơ quan liên quan chủ động rà soát, cung cấp thông tin về các khu vực, lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả theo quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần đôn đốc các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về cung cấp số liệu quan trắc, thông tin vận hành, dự báo cho các đơn vị và cơ quan khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông./.