Cảng biển mở lối vươn xa

14:11 - 17/07/2021

Tạp chí GTVT - Kết cấu hạ tầng hàng hải là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ quan trọng

Tạp chí GTVT - Kết cấu hạ tầng hàng hải là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ quan trọng của ngành GTVT.

 

cang-cai-mep-158443830301594357492
 

Đầu tư trọng tâm, hiệu quả

Ông Lê Tấn Đạt - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải, đại diện cho liên danh tư vấn cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên kết hợp khoa học, công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam một cách bền vững, toàn diện, hiện đại, đồng bộ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng cửa ngõ quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với lộ trình phù hợp, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới; phát triển các cụm cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng gồm: cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Đông Hồi (Nghệ An); cụm cảng Đà Nẵng, Quảng Nam, Dung Quất (Quảng Ngãi); cụm cảng Quy Nhơn (Bình Định) - Vân Phong (Khánh Hòa); cụm cảng TP. Hồ Chí Minh - Cái Mép Thị Vải...

Để phù hợp với điều kiện phân vùng kinh tế - xã hội, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thu gọn thành 5 nhóm cảng biển. Theo đó, nhóm cảng biển số 1 gồm cảng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; nhóm cảng số 2 từ các cảng biển Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế; nhóm cảng số 3 gồm cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; nhóm cảng số 4 gồm cảng biển vùng Đông Nam bộ và nhóm cảng số 5 gồm các cảng biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để có đủ nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, trong thời gian tới, ngành Hàng hải sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng hàng hải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, đặc biệt là tại các cảng cửa ngõ quốc tế, đồng thời kêu gọi tư nhân đầu tư bến cảng, luồng hàng hải chuyên dùng, cảng cạn, bến phao khu neo chuyển tải.

Kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải khác

Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong xây dựng quy hoạch lần này, ngành Hàng hải cũng tính tới sự kết nối giao thông. Hiện nay, kết nối giao thông tại một số nơi, khu vực chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển, nhu cầu cảng biển. Tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải khi phải gánh cả giao thông đô thị làm xung đột giao thông với cảng biển. Chính vì vậy, quy hoạch cảng biển sẽ phải tính đến sự phù hợp với quy hoạch đô thị để đảm bảo sự kết nối giao thông với cảng biển được tốt nhất.

Cụ thể, định hướng phát triển đối với hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển được xây dựng chi tiết đối với từng nhóm cảng biển và từng loại hình vận tải kết nối như đường bộ, đường sắt hay đường thủy nội địa. Điển hình, đối với nhóm cảng số 1, quy hoạch chỉ rõ cần nghiên cứu cải tạo nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các tuyến đường bộ theo quy hoạch, trong đó ưu tiên nâng cấp, mở rộng QL217, Nghi Sơn - Bãi Tranh, QL8, QL9, QL12A, QL12C, QL49, cao tốc Bắc - Nam và các tuyến kết nối từ quốc lộ đến cảng biển; đường sắt nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Vũng Ánh - Tân Ấp - Mụ Giạ; tuyến Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo, các tuyến nhánh kết nối đường sắt Bắc - Nam tới cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Chân Mây. Còn đường thủy nội địa và ven biển cần ưu tiên cải tạo nâng cấp các tuyến thủy nội địa sông Gianh, sông Lam, sông Hiếu kết nối ra cảng biển và các vùng neo chuyển tải ngoài cửa biển; đồng thời tăng cường quản lý, khai thác tuyến ven biển kết nối giữa các cảng biển nhằm giảm chi phí vận tải và giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Trao đổi về các công trình giao thông kết nối với cảng, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho rằng, đối với nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, các đơn vị xây dựng quy hoạch cần tính toán đến nhu cầu cụ thể đối với các phương thức giao thông, kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy... và phải thống nhất với tư vấn lập các quy hoạch chuyên ngành khác các danh mục ưu tiên đầu tư để phục vụ kết nối với cảng, đảm bảo năng lực khai thác cảng dự kiến theo quy hoạch.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 sẽ kế thừa và phát huy thành quả của 20 năm xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia, vừa bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết hợp di dời chuyển đổi công năng để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống cảng biển, vừa đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số cảng biển và cụm cảng biển để trở thành đầu mối vận tải quan trọng trong nước và quốc tế, là trụ cột của kinh tế hàng hải, có vai trò thúc đẩy dịch vụ logistics, tạo thị trường vận tải nội địa để phát triển vận tải biển Việt Nam.

Thùy Dương

http://www.tapchigiaothong.vn/cang-bien-mo-loi-vuon-xa-d91959.html