Cần quyết liệt tạo chuyển biến công tác đảm bảo ATGT ngay từ đầu năm
09:46 - 07/01/2022
Tạp chí GTVT - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2021, triển khai nhiệm vụ 2022.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2021 |
Cần “luật hóa” giáo dục ATGT
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, một trong những lưu ý đối với công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới là “luật hóa” giáo dục ATGT.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay trong chương trình giáo dục chính khóa từ trường phổ thông đến đại học chưa có quy định cụ thể, trong khi giáo dục ATGT là vấn đề hết sức quan trọng, là căn bản để nâng cao nhận thức, ý thức về ATGT ngay từ trẻ thơ đến người trưởng thành. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu về vấn đề này.
Đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, hệ thống truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến nay hầu như có chuyên mục riêng về ATGT, song thời lượng, hàm lượng cần phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là phải dành thời gian phát sóng có nhiều người xem để tuyên truyền hiệu quả hơn.
Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn là một nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ rõ đối với công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới. Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.
“Văn hóa giao thông rất cần phải được nâng cao hơn nữa. Thống kê các vụ TNGT vừa qua có gần 19% nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; gần 10% là do chuyển hướng không chú ý quan sát;… Đây là nhận thức về ATGT, văn hóa giao thông. Do đó, cần phải tăng cường hơn nữa tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền hình, phát thanh địa phương và đặc biệt chú trọng trên các nền tảng số, mạng xã hội,…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch lập Đề án Xây dựng và phát triển văn hoá giao thông an toàn giai đoạn 2022-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật TTATGT, linh hoạt trong phương thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên hạ tầng số, bảo đảm tuyên truyền về TTATGT gắn chặt với tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2021 |
“Dồn sức” phục vụ Tết, không thể lơ là ATGT
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, năm 2020, TNGT đã giảm rất sâu và đến năm 2021 lại tiếp tục giảm sâu hơn nữa so với năm 2020.
“Năm 2021, số người chết do TNGT giảm xuống dưới 6 nghìn người, đây là một ‘cột mốc’ rất đặc biệt. So với giai đoạn 10 năm trước khi số người chết do TNGT khoảng 12 nghìn người, như vậy chúng ta đã kéo giảm được khoảng một nửa con số này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ.
Năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.510 vụ TNGT, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 3.111 vụ (-17,66%), số người chết giảm 924 người (-12,12%), số người bị thương giảm 2.820 người (-20,7%). Năm 2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, giảm 3.496 vụ (-23,32%), giảm 1.068 người chết (-15,55%), giảm 3.143 người bị thương (-28,16%). |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, áp lực đạt mục tiêu tiếp tục kéo giảm TNGT trong năm 2022 sẽ là rất lớn, nhất là khi cả nước sẽ khôi phục phát triển kinh tế rất mạnh, nhu cầu đi lại tăng rất lớn. “Tôi tin chắc rằng, nếu địa phương nào lơ là công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới thì TNGT sẽ ngay lập tức tăng đột biến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trong 10 năm qua, năm nào cũng kéo giảm được TNGT cả 3 tiêu chí. Năm 2022, nhiệm vụ này sẽ nhiều áp lực hơn bởi năm 2020 và 2021 đã giảm rất sâu hàng chục phần trăm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, Bộ GTVT đặt quyết tâm cao thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2021. Bộ GTVT sẽ triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp đảm bảo TTATGT, nhất là các vấn đề về hạ tầng.
Ngành GTVT sẽ tập trung vào các trọng tâm đảm bảo TTATGT trong năm nay, trước hết là phục vụ Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2022. Bộ GTVT đã chủ động từ sớm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở GTVT, các doanh nghiệp, các nhà xe,… thực hiện các giải pháp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường tổ chức nhiều đoàn kiểm tra thực tế tại các đầu mối giao thông, những nhà ga, những bến xe lớn,…
Liên quan đến các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo ATGT, không được để xảy ra TNGT do những nguyên nhân thi công không đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải tập trung cao độ trong việc duy tu, sửa chữa những “ổ voi”, “ổ gà”, khẩn trương xử lý các điểm đen trong tháng này, để đảm bảo ATGT cho người dân vui xuân mới. Mặt khác, các địa phương tăng cường phối hợp với Bộ GTVT tìm ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là tại cửa ngõ của các thành phố lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT tăng cường bám sát các “điểm nóng” về lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ dẫn tới tình hình diễn biến phức tạp. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng trong những ngày gần Tết thì cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.