Can hoan thien hanh lang phap ly de bao dam an ninh tai nguyen nuoc hinh anh 1Ảnh minh hoa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo dự báo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, nhu cầu về nước cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 122 tỷ m3/năm (tăng 1,5 lần so với nhu cầu hiện nay).

Vì thế, để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tích cực tuyên truyền để "thúc đẩy sự thay đổi" thông qua việc kêu gọi các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân cùng "chung tay hành động" đối với việc sử dụng, khai thác, tiêu thụ và quản lý nguồn nước trong cuộc sống của mình.

Mọi sự sống đều cần phải có nước

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngày nước Thế giới năm 2023: Thúc đẩy sự thay đổi” diễn ra ngày 14/3, ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh mọi sự sống đều cần phải có nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tài nguyên nước đang bị cạn kiệt, tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề nước đang đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ tài nguyên nước càng trở nên cấp thiết hơn, bởi nguồn nước phân bổ không đồng đều. Mặc dù nguồn nước tuy nhiều nhưng phụ thuộc vào bên ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng đắp đập, xây dựng thủy điện ở nhiều nơi đã khiến nguồn nước ở các vùng hạ du bị cạn kiệt, đặc biệt vào mùa khô.

 

Đáng chú ý, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, do việc xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, kết hợp với hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nặng đến nguồn nước cuộc sống của người nông dân trong toàn vùng.

[Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030]

Giáo sư tiến sĩ Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cũng đưa ra đánh giá mặc dù nước ta có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên; với lượng nước mặt hằng năm khoảng 830-840 tỷ m3, nhưng có hơn 60% lượng nước được sản sinh từ các nước bạn.

Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến an toàn nguồn nước như: Sử dụng đất không hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước; vấn đề nước biển dâng gây nhiễm mặn, chịu tác động lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không kiểm soát được lượng dòng chảy trong và ngoài lãnh thổ.

Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước và nước thải sinh hoạt là vấn đề bức bối liên quan đến đô thị, dân cư tập trung. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước có 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung, chỉ mới xử lý được khoảng 15% nước thải sinh hoạt tại đô thị, còn lại xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sông, nước mặt.

Cần đảm bảo “hàng rào” pháp lý

Trước thực trạng kể trên, ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý là rất quan trọng. Đó cũng là lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan liên quan đang triển khai lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Can hoan thien hanh lang phap ly de bao dam an ninh tai nguyen nuoc hinh anh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Có chung quan điểm, Giáo sư tiến sĩ Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, cho rằng để đảm bảo an ninh nguồn nước cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, giữa các bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các bộ, ngành liên quan) cần phải có quy định gắn với trách nhiệm rõ ràng ngay trong luật.

Song song đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết hiện cơ quan này đang hoàn thiện hồ sơ, đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, bộ này cũng tập trung vào các nhóm giải pháp như là hoàn thiện, thể chế, chính sách và đẩy mạnh công tác quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác vận hành, bảo đảm an toàn nguồn nước đối với công trình thủy lợi

Bên cạnh đó, tài nguyên nước là cốt lõi cho sự phát triển bền vững nên việc sử dụng cũng cần phải sạch và tiết kiệm, sử dụng thông minh. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự "chung tay" trách nhiệm từ các tổ chức, cộng đồng, người dân.

“Vì thế, thời gian tới, chúng ta cũng cần tăng cường giám sát của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước,” ông Nguyễn Văn Vẻ nói./.

Hùng Võ (Vietnam+)