Campuchia ghi nhan dich cum gia cam H5N1 dang lan rong hinh anh 1Người dân địa phương nơi bé gái tử vong cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 23/2, bà Youk Sambath, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, xác nhận đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế đã phát hiện thêm 12 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Trong đó, 4 trường hợp đã bắt đầu biểu hiện triệu chứng.

Thông tin trên được công bố sau khi Campuchia hôm 22/2 thông báo một bé gái 11 tuổi đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại làng Roleang, xã Romlech, huyện Sithor Kandal, thuộc tỉnh trên. Đây cũng là ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 đầu tiên được ghi nhận ở Campuchia, theo thông báo của Bộ Y tế nước này, công bố ngày 23/2.

Theo bà Youk Sambath, đội ứng phó khẩn cấp Bộ Y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân để phân tích tại một phòng thí nghiệm ở thủ đô Phnom Penh và kết quả sẽ được công bố vào ngày 24/2.

[Đề xuất phát triển vaccine ngừa tất cả các chủng cúm động vật]

Đội ứng phó khẩn cấp sẽ tiếp tục rà soát những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tại các trường học trong ngày 24/2.

Trong bối cảnh phát hiện những trường hợp nhiễm cúm H5N1, Quốc vụ khanh Youk Sambath kêu gọi người dân làng Roleang tăng cường cảnh giác, giữ gìn sức khỏe và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

 

Trước đó, tối 22/2, Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ trên cho biết nước này ghi nhận trường hợp bé gái 11 tuổi tử vong do cúm gia cầm H5N1.

Bé gái bắt đầu khởi phát triệu chứng sốt 39 độ C, ho và đau họng từ hôm 16/2.

Do tình hình sức khỏe không cải thiện sau khi được điều trị tại địa phương, bé gái đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi quốc gia tại thủ đô Phnom Penh và sau đó tử vong.

Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm kêu gọi tất cả người dân không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết, dù là gia cầm nuôi hay hoang dã.

Nếu người dân nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh cần lập tức đi khám để được tư vấn điều trị.

H5N1 là một chủng của virus cúm A, có thể gây bệnh cho người và nhiều loài động vật khác. Đây là tác nhân gây bệnh ở nhiều quần thể gia cầm, đặc biệt là ở Đông Nam Á./.

Quang Anh (TTXVN/Vietnam+)