Cấm xe vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Gánh nặng đè lên doanh nghiệp vận tải

10:50 - 03/04/2024

Cấm xe ô tô tải từ 6 trục trở lên, xe đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm lưu thông trên cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế),doanh nghiệp vận tải phải gánh thêm các chi phí phát sinh khi thay đổi cung đường.

Dư luận tiếp tục quan tâm về việc Cục Đường bộ Việt Nam thông báo cấm xe ô tô tải từ 6 trục trở lên, xe đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm lưu thông trên cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), phân luồng sang Quốc lộ 1A hoặc các tuyến khác phù hợp. Hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lo ngại nguy cơ tai nạn tăng trở lại và áp giao thông đè lên Quốc lộ 1A. Và các doanh nghiệp vận tải cũng phải gánh thêm các chi phí phát sinh khi thay đổi cung đường. 

Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh khẩn trương cắm biển báo trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn điều tiết xe ô tô tải từ 6 trục trở lên, xe đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm phân luồng sang Quốc lộ 1A hoặc các tuyến khác phù hợp, cấm các phương tiện này lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Phương án này vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp vận tải có phương tiện thường xuyên qua lại tuyến đường này. Ông Đinh Hải Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, đưa ra lý do xe đầu kéo là tác nhân gây ra tai nạn giao thông trên trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là chưa sát thực. Hiện nay, các xe container đều lắp đặt thiết bị định vị, giám sát GPS, không thể vi phạm tốc độ. Việc phân luồng xe trên 30 chỗ và xe 6 trục đi tuyến Quốc lộ 1A, không được vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn là không khả thi đối với các phương tiện lưu thông trên cùng một tuyến đường. Thời gian xe container lưu thông trên Quốc lộ 1A dài hơn khoảng 30 phút so với lưu thông trên tuyến cao tốc này, phát sinh thêm thời gian, phí xăng dầu và chịu phí qua trạm BOT trên Quốc lộ 1A.

Đồng quan điểm này, ông Tô Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kho vận Liên Chiểu Xanh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc hạn chế, cấm một số phương tiện vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa từ các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây về cảng Đà Nẵng và ngược lại. Hầu hết doanh nghiệp khi đấu thầu, hợp đồng vận chuyển với đối tác đã tính toán các loại phí, trừ phí qua một số trạm BOT vì không đi Quốc lộ 1A. Hợp đồng vận chuyển được làm từ đầu năm và ký luôn cả năm. Bây giờ, cấm phương tiện vào cao tốc đột ngột làm phá vỡ các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.

Ông Tô Văn Hiệp cho rằng, an toàn giao thông, tính mạng con người là trên hết nhưng Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá đúng nguyên nhân các vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa qua để có giải pháp hợp lý, không thể xảy ra tai nạn là cấm đường. Nhiều ý kiến đề nghị sớm hoàn thiện nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên đúng chuẩn 4 làn xe và có chính sách đối với các doanh nghiệp vận tải vì phải chịu thiệt do đường bị cấm.

 

Ông Tô Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kho vận Liên Chiểu Xanh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa kịp phục hồi thì bây giờ phải gánh chịu nhiều rủi ro do thay đổi tuyến vận tải: “Đối với dịch vụ logistics 2 yếu tố quan trọng là chi phí và thời gian. Đầu năm doanh nghiệp đã có kế hoạch rồi, hợp đồng đã ký, bây giờ cắt đường đi thì doanh nghiệp ảnh hưởng lớn. Chi phí tăng lên nhiều, doanh nghiệp phải gánh chịu. Bộ Giao thông Vận tải cần đánh gia lại vấn đề tiêu chuẩn, an toàn tuyến cao tốc. Cái này trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông Vận tải, con đường đó chưa chuẩn phải làm cho chuẩn”.

Mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là giảm tải phương tiện cho Quốc lộ 1A nhưng bây giờ phương tiện phải quay trở lại lưu thông trên Quốc lộ 1A là một nghịch lý. Đây cũng chính là lý do mà 2 địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp vận tải phản đối phương án phân luồng của Cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra.

Lo ngại tai nạn giao thông sẽ tăng trở lại trên Quốc lộ 1A khi hạn chế phương tiện vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Ban An toàn Giao thông tỉnh Quảng Trị đề nghị có phương án phân luồng giao thông theo thời gian phù hợp nhằm giảm áp lực lưu lượng lên Quốc lộ 1A đoạn phía nam tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị đề nghị, khi phân luồng giao thông trên Cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì không phân luồng các phương tiện vào Đường tỉnh 585C, vì mặt đường tuyến này nhỏ, không có điện chiếu sáng, không bảo đảm an toàn giao thông. Trước đây, xe tải lớn, xe container đi vào đã làm hư hỏng mặt đường, tạo thành những hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, thiệt hại tài sản của nhân dân, cử tri tỉnh Quảng Trị bức xúc và đã nhiều lần phản ánh với các cấp quản lý.

Sở Giao thông Vận tải  tỉnh Quảng Trị đề nghị, việc điều tiết phân luồng giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần dựa trên quy định hiện hành và các cơ sở pháp lý liên quan; phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thay vì hạn chế phương tiện vào cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị liên quan nên rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông trên cao tốc đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông theo thiết kế và phù hợp tình hình thực tế. Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm của người tham gia giao thông trên tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trong đó tập trung xử lý các lỗi vi phạm như: đi sai làn đường, vượt xe sai quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ tối thiểu, tốc độ tối đa…

Ông Trương Văn Tài, một lái xe khách thường chạy tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho rằng, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những người điều khiển phương tiện vi phạm trên tuyến cao tốc thay vì cấm lưu thông: “Gây tai nạn là chỉ có những người chạy ẩu, chạy quá tốc độ. Nếu chạy mà đúng theo quy định của Bộ giao thông Vận tải thì không có vấn đề gì hết. Chỉ có những người chạy ẩu, cố tình vượt ẩu mới gây tai nạn thôi. Bao nhiêu vụ tai nạn giao thông vừa rồi do vượt ẩu, nôn nóng. Nếu xe chạy không đúng tốc độ là bị phạt, chạy quá tốc độ là bị phạt. Đảm bảo đúng tốc độ cho phép của con đường cao tốc là sẽ không xảy ra tình trạng ùn ứ và gặp tai nạn”.

Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, trước khi có cao tốc, số vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A chiếm tỷ lệ cao, số người chết hàng năm chiếm 48%-50% trên tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh. Sau khi cao tốc đưa vào sử dụng, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A giảm rất nhiều. Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 216 đường nhánh đấu nối với Quốc lộ 1A. Dọc tuyến có 2 bệnh viện, 8 chợ, 5 thị trấn dân cư đông đúc, số lượng người đi bộ qua lại trên tuyến tại các vị trí này rất lớn. Quốc lộ 1A hiện có 4 làn xe, trong đó có làn hỗn hợp xe thô sơ, người đi bộ cùng tham gia. Dọc tuyến Quốc lộ 1A qua tỉnh Thừa Thiên Huế có 46 trường học, lượng học sinh khi đến trường và khi tan trường rất lớn. Giờ cao điểm, người và phương tiện tại các khu công nghiệp, khu dân cư ở trung tâm huyện lỵ, trường học tham gia giao thông lớn. 

Ngoài ra, tuyến tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Huế dài 36 km cũng chỉ có 2 làn xe, giao thông hỗn hợp, không có dải phân cách cứng, không được tổ chức giao thông như tuyến cao tốc. Tuyến này đã khai thác nhiều năm hiện xuống cấp. Khi các phương tiện ô tô đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên tuyến đường tránh này rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

Từ thực tế này, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị thay vì hạn chế phương tiện, đơn vị quản lý cao tốc Cam Lộ - La Sơn khẩn trương khắc phục các bất cập như bổ sung biển báo, lắp đặt camera phạt nguội và tăng cường lực lượng chức năng kiểm soát trên đường. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ  tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị: “Trước mắt, chúng tôi cũng đề nghị 2 phương án. Phương án thứ nhất là phải tính toán để điều chỉnh các đoạn vuốt từ hai đến ba làn xe xuống một làn. Có cái chiều dài cho nó đồng bộ, từng nghiên cứu để cắt giảm giải phân cách cứng để tăng chiều dài cho đoạn vuốt, để chuyển tiếp từ hai làn xuống một làn, kết hợp bổ sung các cọc tiêu mềm, có tính dẫn hướng. Bổ sung các cọc tiêu mềm. Bổ sung các đinh phản quang, tăng cường camera giám sát ở trên tuyến”.

Nguồn: Cấm xe vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Gánh nặng đè lên doanh nghiệp vận tải (vov.vn)