“Căm nung” trong đời sống dân tộc Lự ở Lai Châu
11:24 - 17/07/2021
Đồng bào dân tộc Lự cư trú tập trung tại các xã: Bản Hon (huyện Tam Đường), Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) và rải rác tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trong cộng đồng dân tộc Lự còn lưu truyền và duy trì Lễ cúng rừng - “Căm nung”, nghi lễ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng mà còn hội tụ nhiều nét đẹp truyền thống.
Trong đời sống tâm linh của người Lự, mọi vật đều có linh hồn, bản làng yên bình nhờ thần rừng, thần núi, thần sông suối bảo vệ. Mỗi bản đều có khu rừng thiêng, rừng cấm có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống cộng đồng, thường niên, bà con đều tổ chức Lễ cúng rừng - “Căm nung” với những ước vọng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Rừng thiêng của đồng bào dân tộc Lự thường gần những nguồn nước và được bà con chăm sóc, bảo vệ. Đây là khu rừng có ý nghĩa tinh thần đối với cộng đồng. Hàng năm “Căm nung” thường được tổ chức 2 lần, lần thứ nhất vào dịp mùng 3 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch, đây là thời điểm bà con chuẩn bị xuống giống sản xuất nông nghiệp. Trong lễ cúng, dân bản thường cầu mong gia đình mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Lễ cúng lần 2 được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 6 âm lịch, cũng là thời điểm thu hoạch lúa, tổ chức lễ cúng có thêm ý nghĩa tạ ơn thần rừng và đất trời đã "mưa thuận gió hòa" giúp dân bản gặt hái thêm mùa màng bội thu. Các lễ cúng được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo và thường kết thúc trước giờ ngọ, 12 giờ trưa. Khi hoàn tất phần nghi lễ, cộng đồng sẽ tiến hành liên hoan và tổ chức các trò chơi dân gian.
Từ bao đời nay, lễ vật trong “Căm nung” là những sản phẩm nông nghiệp do bà con tự tay chăn nuôi, sản xuất, thường không thể thiếu 1 con lợn đen, đôi gà trống và biểu tượng con én được cắt khá cầu kỳ bằng giấy màu. Người Lự quan niệm chim én không chỉ báo hiệu mùa xuân, mà còn là linh vật, biểu tượng của bình an, tốt lành. Linh vật nhỏ bé ấy chứa đựng bao triết lý nhân sinh của đồng bào dân tộc Lự. Khi công tác chuẩn bị được hoàn tất, thầy cúng bắt đầu cử hành các nghi thức cúng tế. “Việc chuẩn bị, cử hành cho lễ “Căm nung” được giao cho nam giới, tuyệt đối không có phụ nữ tham gia. Những người đàn ông có vợ đang mang thai theo luật tục của bản cũng không được tới khu rừng thiêng trong quá trình tổ chức lễ cúng” – ông Tao Văn Giót ở bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) cho biết thêm.
Bắt đầu là lễ cúng sống, thầy cúng trong trang phục truyền thống được may bằng vải thổ cầm, đầu quấn khăn, cầm một cành cây tươi đập nhẹ vào đàn lợn, gà cùng lễ vật và tấu lên bài khấn mời vua bản, quan mường cùng thụ hưởng. Sau đó, trai tráng trong bản được phân công giết gà, cắt tiết lợn; thầy cúng sẽ lấy tiết vẩy vào những chiếc phên được đan mắt cáo - “ta leo”, rồi treo trước cổng bản, nơi đường dẫn tới khu rừng cấm, rừng thiêng. Người Lự vẫn quan niệm, những chiếc “ta leo” được vẩy tiết và có buộc cành cây ấy có tác dụng trừ tà ma và khi treo lên, dân bản sẽ được những thế lực siêu nhiên bảo vệ, che chở. Người lạ khi thấy cổng treo “ta leo” mà cố tình vào bản hoặc tới rừng thiêng sẽ bị phạt vạ theo quy ước của bản.
Treo “ta leo” xong, cánh trai tráng trong bản sẽ nấu cỗ để thắp hương, thầy cúng cũng ra bìa rừng tự tay nấu đồ ăn để cúng. Khi cỗ đã chín, bày biện xong xuôi, thầy cúng sẽ thắp 6 nén hương cắm vào ống tre cạnh ban thờ và khấn bằng tiếng dân tộc Lự. Lời khấn được hiểu dân bản mong được chở che, bản tránh được thiên tai, cấy cầy thuận lợi, không bị sâu bệnh hại, chăn nuôi thắng lợi, không bị dịch và tạ ơn thần linh đã độ trì cho dân bản mọi điều thuận lợi…
Sau khi hoàn tất các thủ tục cúng tế, thầy cúng sẽ cùng cánh đàn ông, trai tráng trong bản liên hoan cộng đồng ngay trong khu rừng cấm; tùy theo số khẩu trong nhà mà những người vắng mặt, phụ nữ không được tham gia sẽ được chia phần cỗ, đảm bảo cả bản ai ai cũng được thụ hưởng lễ vật “Căm nung”. Tiếp đó, dân bản sẽ tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian: tù lu, kéo co, bắn nỏ, cà kheo, đánh cầu lông gà…
Theo bà Tao Thị Chùm - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, “Căm nung”, trong phần hội, mọi người thường trưng diện những bộ trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất của mình, việc thi các môn thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ đã giúp cho những nét đẹp truyền thống của dân tộc Lự được tôn vinh, lưu truyền một cách tự nhiên trong cộng đồng.
Cùng với đó, qua tổ chức “Căm nung” còn tăng tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng trong khu dân cư. Trước khi tiến hành, công tác chuẩn bị đều được bà con bàn bạc kỹ lưỡng; việc chuẩn bị lễ vật cũng được giao cho các hộ trong bản luân phiên thực hiện và các phần việc khác đều có sự chung tay của cả bản. Có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, hội tụ nét đẹp văn hóa truyền thống, tăng tinh thần đoàn kết, vì thế đến nay người Lự vẫn duy trì lễ “Căm nung”
https://vanhoavaphattrien.vn/cam-nung-trong-doi-song-dan-toc-lu-o-lai-chau-a4219.html