Cải cách hành chính tại Lào Cai- Bài 1: Những khó khăn, vướng mắc từ cấp cơ sở
08:27 - 23/08/2023
Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Nói về những bất cập trong thực hiện triển khai cải cách TTHC tại địa phương, chị Lý Thanh Thủy, công chức tư pháp xã Vạn Hòa (TP. Lào Cai) chia sẻ: Trên địa bàn xã có tới gần 40% là người già và người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế nên việc tiếp cận với công nghệ thông tin rất khó khăn dẫn đến người dân thực hiện việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích còn thấp.
Bà Bùi Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Bắc Cường chia sẻ: "Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hiện nay, công chức vừa phải thực hiện thao tác cập nhật lưu trữ hồ sơ trên môi trường điện tử vừa phải ghi vào sổ giấy và lưu trữ việc giải quyết TTHC bản giấy,... mất quá nhiều thời gian xử lý hồ sơ.
Trong khi đó, một số trang thiết bị như máy tính, máy Scan chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đầu tư thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân,… đạt mức tối thiểu để thực hiện luân chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử.
Cùng chung quan điểm, bà Hoàng Thị Phượng, Phó chủ tịch UBND phường Bắc Cường băn khoăn: "Đối với việc chứng thực, bình thường chỉ ký giấy chưa tới một phút là xong. Nhưng khi chứng thực điện tử, nếu vào thời điểm giữa giờ làm việc, lượng truy cập đông rất dễ bị nghẽn mạng có khi đển cả chục phút mới ký được môt bộ hồ sơ.
Nhưng như vậy đâu đã xong, ký xong lại chuyển lại văn thư, qua đồng chí tiếp nhận rồi mới trả kết quả được cho người dân. Như vậy hồ sơ chứng thực điện tử sẽ lâu hơn rất nhiều so với chứng thực thủ công.
Thêm một bất cập khác là việc thanh toán phí trực tuyến, rất nhiều người dân không có tài khoản ngân hàng để thực hiện, các cán bộ phải dùng tài khoản cá nhân thanh toán giúp người dân".
Một số hồ sơ quá hạn do thao tác xử lý hồ sơ và cập nhật kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống phần mềm một cửa còn chưa kịp thời do một số thời điểm đường truyền, tầng mạng bị lỗi.
Nguyên nhân hồ sơ xử lý trễ hạn nhiều là khi người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng hồ sơ đó hiện ở giao diện của công chức tư pháp - hộ tịch, công chức phụ trách tiếp nhận hồ sơ không nhìn thấy, nên không xử lý kịp thời.
Các phần mềm ở địa phương đang sử dụng thường xuyên bị lỗi, nhất là lĩnh vực hộ tịch, nhưng lại không được khắc phục kịp thời, dẫn đến khó khăn trong khâu tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Với những hạn chế, khó khăn trên, ngoài sự nỗ lực, trách nhiệm của từng đơn vị trong thực hiện Cải cách hành chính thì cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cấp trên về đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức phụ trách công tác cải cách hành chính.
Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hơn hết cần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND, phường, xã kịp thời rà soát, tham mưu, đề xuất cấp trên giải quyết, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở bộ phận một cửa, phục vụ và tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.