Việt Nam cần lưu ý không nên xây dựng hay triển khai các chính sách an sinh xã hội tách biệt với các lĩnh vực chính sách công khác. Trên thực tế, các chính sách và kết quả về việc làm và an sinh xã hội phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau để có thể đạt được các các mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là kiến nghị của các chuyên gia quốc tế được đưa ra tại hội thảo “Nhận diện các vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.

Gánh nặng từ khoảng trống bảo hiểm xã hội

Hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam là làm thế nào tiếp cận được với nhóm bị bỏ sót, những người không có bảo hiểm xã hội hay không nhận được trợ cấp xã hội. Một kết quả điển hình của khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội là phạm vi bao phủ lương hưu ở Việt Nam còn thấp.

Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO chỉ ra rằng hiện nay Việt Nam có 16,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Trong 11,4 triệu người cao tuổi mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội).

Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh dù có tiến triển đáng kể nhưng nhiều người Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh cho xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.

Trong khi mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội còn nhiều thách thức thì vấn đề những lao động đang tham gia lại rút ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội càng khiến cho hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

Các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam cho phép người lao động thoát khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần cho tất cả các khoản đóng góp trước đây của họ. Việc ngày càng có nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài đối với an ninh thu nhập của người lao động, cũng như tính bền vững tài chính của hệ thống.

[Bảo đảm an sinh xã hội góp phần giảm nguy cơ gia tăng lao động trẻ em]

Theo ông André Gama, chuyên gia an sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho biết nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng gần 70% các khoản bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam được chi trả cho phụ nữ dưới 35 tuổi, cho thấy rằng các khoản rút bảo hiểm xã hội một lần đang được người lao động sử dụng để đảm bảo an ninh thu nhập của họ trong giai đoạn đang làm việc (chứ không phải khi họ đã hết tuổi lao động) vì các chế độ bảo hiểm xã hội hiện chưa đảm bảo được.

Thiếu sự liên kết với việc làm

Từ việc phân tích hệ thống bảo hiểm xã hội, các chuyên gia quốc tế nhận định đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam khiến hầu hết người lao động khó có thể tích lũy được 20 năm đóng góp, đây là mức tối thiểu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (2014) để người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu. Điều này cho thấy nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng khó có thể hưởng lương hưu.

Cai cach an sinh xa hoi: Nguy co 12 trieu lao dong khong co luong huu hinh anh 1Tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Việt Nam cần thúc đẩy sự phối hợp và liên kết các chính sách an sinh xã hội với các khuôn khổ pháp lý, chính sách việc làm như Luật Việc làm và Bộ luật Lao động. An sinh xã hội có thể được thực hiện bền vững hơn và tài chính của an sinh xã hội công bằng hơn khi công nhận an sinh xã hội có liên kết với việc làm,” ông André Gama nói.

Theo ông André Gama, việc gia tăng cơ hội tạo việc làm hiệu quả và thỏa đáng không chỉ giúp giảm nghèo mà còn góp phần cung cấp tài chính bền vững cho các hệ thống an sinh xã hội. Trong thực tế, người lao động chỉ có có thể tham gia đầy đủ vào hệ thống bảo hiểm xã hội khi có việc làm ổn định.

Ngoài vấn đề về sự thiếu liên kết với chính sách việc làm, các chuyên gia còn chỉ ra rằng Việt Nam chi cho an sinh xã hội (dưới 5% GDP) thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của Thế giới (khoảng 13% GDP) và thậm chí thấp hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (khoảng 8% GDP). Các chuyên gia cho rằng muốn thực sự cải cách hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam sẽ cần tăng đầu tư cho lĩnh vực này.

“Cải cách an sinh xã hội ở Việt Nam phải đi đôi với tăng đáng kể đầu tư cho an sinh xã hội, để có thể đạt được những tác động đúng với tiềm năng của chính sách. Đầu tư tăng cường vào an sinh xã hội cũng có thể trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam," ông André Gama nói./.

Hồng Kiều (Vietnam+)