Cái bụng

15:40 - 06/08/2021

Ấy thế mà bụng có những lúc lại làm được việc của cơ quan thần kinh trung ương cơ đấy. Ấy là những khi ta “nghĩ bụng”. Sau những lần ta “nghĩ ở trong bụng” ấy, có thể ta đã đánh giá được đúng bản chất của sự vật, hiện tượng và ta đã có được những hành vi đúng đắn nhất.

cai-bung-1628213414.jpg

Thật ra cái bụng cũng chẳng có gì phải nói nhiều.

Nếu coi con người như một con thuyền thì cái đầu là mũi thuyền, kế đến là khoang ngực và khoang bụng.

Ngực là khoang thứ nhất bố trí hai chiếc máy cực kỳ quan trọng là máy thở (hô hấp) và máy nổ bơm máu (tuần hoàn).

Bụng là khoang thứ hai bố trí hậu cần bếp núc và một số máy móc đảm bảo cho con thuyền vận hành được an toàn, nhịp nhàng, hợp lý.

Trước hết là dạ dày. Dạ dày vừa là trung tâm tiếp nhận thức ăn, vừa là cái bếp kỳ diệu để biến các loại thức ăn từ miệng qua thực quản đưa xuống thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể. Tại căn bếp kỳ diệu này, người đầu bếp tuyệt vời là dạ dày đã thái thái băm băm, đảo trộn, nhào nhuyễn, luộc xào, nấu ninh, om hầm, chiên rán một cách cực kỳ tài tình khéo léo thành các món ăn hợp với khẩu vị của cơ thể. Nhờ thế, những món ăn ấy đã được biến thành những chất bổ dưỡng, biến thành máu nuôi con thuyền Người lớn khôn lên từng ngày.

Dẫu con thuyền ấy có tháng ngày lênh đênh nổi chìm trên biển cả, có vượt muôn trùng sóng dữ hay lững lờ trôi trên sóng lặng sông êm thì người đầu bếp tài hoa có một không hai ấy lúc nào cũng hết lòng hết sức phục vụ, một lòng một dạ chăm sóc cho con thuyền Người thân thương của mình không một phút giây nào trễ nải.

Nhớ thời kháng chiến “hạt gạo cắn làm tư”, thời bao cấp “gạo châu củi quế”, người đầu bếp cực kỳ tài hoa ấy vẫn hết lòng hết sức, không một phút giây nào nản lòng.

Trong khoang bụng, tạo hóa còn bố trí một hệ thống ruột non (nói vui như là một “hệ thống đường ống dẫn xăng dầu Trường sơn” thời chống Mỹ) để con thuyền Người thẩm thấu được các chất dinh dưỡng, biến thức ăn thành máu, thành “xăng” phục vụ kịp thời cho “các chiến dịch, các trận đánh”. Còn ruột già như là các “công trình xử lý rác” và “thải rác” cho con thuyền kỳ diệu nói trên.

Ngoài dạ dày và ruột, khoang bụng còn được bố trí một số máy móc không lớn về kích thước nhưng cực kỳ “tinh vi hiện đại” (không kém gì tim, phổi) cho con thuyền Người hoạt động được hoàn hảo. Đó là gan, thận, mật, lách…

Và, hình như nhà trời đã “tổ chức” rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trong đó có nhiều ý kiến trái chiều, cực kỳ trái chiều về việc “bố trí bộ máy trong khoang bụng”. Cuối cùng “đại hội đại biểu toàn thiên đình” đã chính thức bố trí một cơ quan cũng cực kỳ “tinh vi hiện đại” và quan trọng (nhưng tế nhị không nói tên) nằm ở vị trí cuối cùng của khoang bụng con thuyền.

(Vì khuôn khổ bài văn có hạn, phần nữa vì kiến thức về “bộ máy tinh vi” này của tác giả lại càng rất hạn hẹp, tác giả xin phép được nghiên cứu thêm và xin trình bày vấn đề này ở một bài viết khác vào một dịp khác).

Bây giờ, tác giả xin nói thêm về khoang bụng một chút, một chút nữa.

Vâng. Khoang bụng của con thuyền Người cũng chỉ có thế. Còn gì nữa đâu? Có chăng là còn một ít khoảng trống giữa các bộ phận ấy với nhau và với thành bụng mà thôi.

Ấy thế mà bụng có những lúc lại làm được việc của cơ quan thần kinh trung ương cơ đấy. Ấy là những khi ta “nghĩ bụng”. Sau những lần ta “nghĩ ở trong bụng” ấy, có thể ta đã đánh giá được đúng bản chất của sự vật, hiện tượng và ta đã có được những hành vi đúng đắn nhất.

Cái bụng chỉ có thế thôi. Nhưng ta chẳng bao giờ dám khinh thường cái bụng ta, cũng chẳng bao giờ dám khinh thường cái bụng người khác. Là vì lòng (lòng là bụng) - lòng tốt, lòng nhân ái, lòng yêu nước nồng nàn cũng từ đấy mà sinh ra. Mà “một bồ dao găm” cũng có khi được tàng trữ ở trong đó, sẵn sàng đâm chém người, sẵn sàng đâm chém ta lúc nào ta không biết…

Cái bụng diệu kỳ biết bao mà cũng ghê gớm biết chừng nào!

 

 

 
Bạn đang đọc bài viết "Cái bụng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. Chuyên trang Hội nhập | Hotline: 08.4646.0404
https://vanhoavaphattrien.vn/cai-bung-a5028.html