Cafe Lang Art - ngoi nha chung cua cac em khiem thinh Lam Dong hinh anh 1Nhân viên trong quán nói chuyện, trao đổi công việc với nhau bằng ngôn ngữ riêng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Nằm khiêm tốn bên mép ngoài của khuôn viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng trên đường Pasteur (phường 4, thành phố Đà Lạt), một quán càphê độc đáo mang tên Lặng Art với toàn bộ nhân viên là các em câm điếc, đã tốt nghiệp trường khiếm thính.

Nơi đây đã được nhiều vị khách từ nơi khác tìm đến để thưởng thức một ly càphê hay ly trà chế biến từ các loài hoa.

Thưởng thức càphê trong không gian tĩnh lặng

Với một tấm biển bằng gỗ đơn sơ treo trên cửa ra vào, quán Cafe Lặng Art khá khiêm tốn nằm thu mình ở địa chỉ số 3 đường Pasteur. Tuy nhiên, khi bước chân vào quán, du khách sẽ khá ngỡ ngàng bởi cách bài trí khá đặc biệt.

Nó giống như một khu trưng bày các món đồ chơi tự làm của trẻ em với các bức tranh tự vẽ, đồ vật trang trí làm từ quả thông khô, các chao đèn bằng sợi đan… và rất nhiều hoa tươi; thậm chí còn có cả một chiếc xích đu bằng gỗ.

Điều đặc biệt, chủ và khách giao tiếp với nhau chỉ bằng điệu bộ, cử chỉ, hay thông qua một mảnh giấy với cây bút.

Cafe Lặng với đúng cái tên của nó. Khách tới đây hầu như chỉ ngồi tĩnh lặng, nhâm nhi ly càphê, ly trà thảo dược hay những chiếc bánh ngọt nhỏ xinh tạo hình như những hạt càphê do học sinh của trường khiếm thính tự làm.

[Những người trẻ khuyết tật vượt lên số phận tại Quảng Ngãi]

Các vị khách ngắm rất lâu bức tranh bằng gỗ, treo dọc trên gốc cây thông già mọc lên từ giữa quán với dòng chữ “Chào mừng các bạn đến với Lặng Art, ngôi nhà chung của các bạn câm điếc” và mấy dòng viết trên tấm bìa treo trên quầy bar “Quán càphê của sự bình yên. Bởi đây là ngôi nhà của các bạn câm điếc.”

Nhiều vị khách trước khi ra về vừa lén lau nước mắt, vừa viết những dòng cảm xúc vào cuốn sổ lưu niệm bằng giấy thô với tấm bìa trang trí mộc mạc để trên bàn của quán.

Nhiều phụ huynh đã đưa con tới đây như một cách giáo dục trẻ hiểu và chia sẻ với các anh chị không may mắn đang vượt lên chính mình…

Tấm lòng người nâng bước các em

Quán càphê ra đời như một câu chuyện cổ tích. Anh Võ Anh Tuấn (39 tuổi, nhân viên một công ty du lịch lữ hành hoạt động trên địa bàn tỉnh) cho biết, khi đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng, anh cảm động trước tấm lòng của các thầy cô với 120 học sinh đang học tại đây; đồng thời, thán phục bàn tay khéo léo của các em khi làm ra những món đồ chơi, quà lưu niệm từ cây cỏ Đà Lạt.

Cafe Lang Art - ngoi nha chung cua cac em khiem thinh Lam Dong hinh anh 2Nhiều phụ huynh đã đưa con đến quán như một cách giáo dục cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Anh rất trăn trở về việc làm của các em sau khi ra trường, cũng như những sản phẩm do chính tay các em làm ra.

Sau đó, anh Tuấn quyết định đem số tiền dành dụm của gia đình để tạo công việc giúp đỡ các em. Anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu Trường Khiếm thính với quan điểm “tất cả vì học sinh thân yêu.”

Từ số vốn 200 triệu đồng, anh cải tạo chân hàng rào của nhà trường thành mặt bằng rộng chưa đầy 100m2, dựng ngôi nhà gỗ mở cửa ra đường để tiện cho du khách.

Các học sinh lớn trong trường tự nguyện tham gia vào việc bài trí cho quán bằng những sản phẩm tự tay làm ra. Không được may mắn, vừa ra đời vài tháng, Cafe Lặng Art lại gặp khó khăn do COVID-19.

Hai năm qua, nhà tài trợ phải loay hoay chèo chống để đủ kinh phí tồn tại. Đến thời điểm này, Cafe Lặng Art có thể tự nuôi sống các nhân viên của mình với mức lương từ 4-5 triệu đồng.

Qua cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh làm phiên dịch, anh Nguyễn Lương Quang (22 tuổi, trú tại thành phố Đà Lạt) là người điều hành Cafe Lặng Art tâm sự, học xong lớp 9 của Trường Khiếm thính và tốt nghiệp ra trường, anh hoang mang bởi không biết làm việc gì kiếm sống.

Được vào quán làm việc cùng bốn bạn học cùng trường, anh rất phấn khởi. Anh mơ ước sau này có thể tự mình mở được một quán càphê như thế này để tạo thêm công việc cho các bạn cùng cảnh ngộ…

Là nhân viên mới, chị Trần Nguyễn Thảo Hiền (21 tuổi, trú huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) kể lại, học hơn 10 năm trong trường, chị đã quen sống với những người cùng hoàn cảnh và các thầy cô.

Từ ngày ra trường trở về nhà, chị bị khủng hoảng, không thể hòa nhập với cuộc sống. Sau đó, mẹ chị đã gọi nhờ anh Tuấn nhận chị vào làm tại quán. Chị đã việc ở đây được 3 tháng, mỗi tháng được trả 3,5 triệu và tiền thưởng.

Mong muốn về một ngôi nhà chung lớn hơn

Là người quản lý ngôi trường đặc biệt này nhiều năm, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết Trường Khiếm thính Lâm Đồng thành lập từ năm 1980, mỗi năm có trên 120 học sinh theo học với các cấp Mầm non và Tiểu học.

Trước đây, các em học xong lớp 5 phải ra trường. Đến năm 2019, Trường thành lập cấp Trung học Cơ sở và các em có thể học đến lớp 9 mới ra trường. Vào trường từ khi mới 6-7 tuổi, thậm chí hiện nay, đơn vị còn nhận cả trẻ từ 1-2 tuổi (can thiệp sớm), đến khi ra trường đã 19-20 tuổi, các em bước hòa nhập với xã hội rất khó khăn.

Nhiều em bị khủng hoảng tâm lý, không thể hòa nhập được. Bởi vậy, mong ước lớn nhất của cô cũng như hàng trăm học sinh khiếm thính và phụ huynh là được mở thêm hệ Trung học Phổ thông để các em có thêm thời gian chuẩn bị, tiếp thu đủ kiến thức trước khi bước ra xã hội.

Về quán càphê Lặng Art, cô Minh tâm sự, khi anh Võ Anh Tuấn đặt vấn đề hỗ trợ các em, cả trường đều vui mừng.

Quán nhỏ nên hiện tại mới chỉ đủ việc làm cho bốn em là học sinh trong trường đã tốt nghiệp. Tuy nhiên, gian hàng của quán - nơi bán các sản phẩm do chính tay các em làm ra mới thực sự đem lại niềm tin cho các bạn đang theo học.

Nhà trường vẫn mời các nghệ nhân tới dạy nhiều nghề cho các em như nghề làm bánh, đan lát mây tre, thêu-vẽ tranh, làm đồ lưu niệm cho khách du lịch, làm trà từ các loại thảo mộc Đà Lạt…

Quán cũng là địa điểm giao lưu của các em trong trường với các trường khuyết tật khác. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh mong muốn sẽ có một mô hình lớn hơn tạo việc làm cho nhiều cựu học sinh của trường...

Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, Trường Khiếm thính Lâm Đồng sẽ sáp nhập với Trường Trẻ em thiểu năng Hoa Phong Lan Đà Lạt.

Trường sẽ chuyển về địa điểm mới trên đường Nguyễn Khuyến (phường 5, Đà Lạt). Địa điểm này khá rộng rãi và đang được xây dựng các cấp học cho trẻ khuyết tật, thiểu năng của địa phương.

Anh Võ Anh Tuấn đang ấp ủ một dự định. Nếu được Ban Giám hiệu mới phối hợp, anh sẽ kêu gọi thêm các nhà tài trợ, xây dựng nơi đây thành một làng nghề của trẻ khuyết tật, tạo việc làm cho các em đã ra trường và là địa điểm dạy nghề cho các em đang theo học.

Với lợi thế của một người làm trong ngành du lịch lữ hành, anh sẽ xây dựng địa điểm này trở thành một điểm du lịch để thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm, tiêu thụ sản phẩm cho trẻ khuyết tật./.

 

Ảnh 1Anh Võ Anh Tuấn (trái), người đã xây dựng quán càphê đặc biệt này với mong muốn giúp các em khiếm thính khi ra trường có nơi làm việc, không bị bơ vơ, mặc cảm, thoát khỏi định kiến "là gánh nặng của xã hội". (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ảnh 2Lặng Art cũng là nơi giới thiệu, bán các món đồ chơi, đồ lưu niệm, trà thảo mộc… do chính các học sinh trường khiếm thính làm ra. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ảnh 3Nhân viên trong quán nói chuyện, trao đổi công việc với nhau. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ảnh 4Một trang trong sổ lưu niệm của cafe Lặng Art. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ảnh 5Nhiều phụ huynh đã đưa con đến quán như một cách giáo dục cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

 

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)