Theo các nhà khoa học, thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại các đô thị phần lớn từ các phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu hoá thạch.
Đây là thông tin tại Tọa đàm "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới" nằm trong chuỗi sự kiện Khoa học vì cuộc sống do VinFuture tổ chức vào ngày 5/12, tại Hà Nội.
"Thủ phạm" chính gây ô nhiễm không khí là gì?
Là một trong các diễn giả của Tọa đàm, Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng - Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi Khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên dẫn kết quả nghiên cứu của ông với cộng sự cho thấy, giao thông được xác định là nguồn phát thải lớn nhất tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng cho biết, tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp sử dụng nguyên liệu hoá thạch và giao thông vận tải. Các hoạt động giao thông đường bộ sản sinh hơn 13,4 triệu tấn CO2eq/năm, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất.
Tại Hà Nội, lượng phương tiện giao thông ước có 6 triệu xe máy và 690.000 ôtô, cùng khoảng 2.000 nhà máy công nghiệp, là nguyên nhân chính gây phát thải các chất ô nhiễm như CO, SO2, bụi mịn... Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 7,4 triệu xe máy, ô nhiễm từ giao thông cũng chiếm phần lớn, đặc biệt là khí thải NOx (loại khí thải cực độc gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường) và carbon đen.
Những con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam và sự cần thiết của các giải pháp kiểm soát và giảm thiểu phát thải.
Ngoài ra, theo Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng, Việt Nam còn đối mặt với các thách thức từ các nguồn ô nhiễm khác như tập quán đốt rơm rạ và các chất thải nông nghiệp vẫn phổ biến tại nhiều vùng, phát thải từ vận tải biển. Trong khi đó, hiện nay, việc kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở dữ liệu và nguồn lực giám sát.
Tại tọa đàm, Giáo sư Yafang Cheng đến từ Viện Hóa học Max Planck (Đức) đã chia sẻ nghiên cứu về aerosol (sol khí). Giáo sư Yafang Cheng cho biết đây là một trong những thành phần chính gây ô nhiễm không khí và tạo sương mù đô thị. Ô nhiễm aerosol là nguyên nhân khiến 9 triệu người tử vong khi còn trẻ (theo số liệu năm 2019).
Ngoài tác động đến sức khỏe, aerosol còn ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu, làm gia tăng hiện tượng sương mù và giảm khả năng xuyên sáng của mặt trời.
Các yếu tố khí tượng, đặc biệt vào mùa đông, làm gia tăng nồng độ aerosol trong không khí khiến các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp của khí quyển, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng.
"Chìa khoá" giúp cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí từ giao thông, Giáo sư Daniel Kammen - Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture đề xuất tăng cường ứng dụng xe điện và năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh rằng việc phát triển công nghệ pin sodium hoặc pin phi kim chi phí thấp có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng tốc độ chuyển đổi hiện nay chưa đủ nhanh để đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Chung nhận định này, Giáo sư Susan Solomon đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) cho rằng việc sử dụng xe điện, đặc biệt là xe máy và xe buýt điện, cần được đẩy mạnh để giảm phát thải trong giao thông đô thị. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng cần có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông sạch.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Bắc Kinh (Trung Quốc) nơi Giáo sư Yafang Cheng từng tham gia nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc chuyển đổi năng lượng. Việc thay thế than đá bằng khí tự nhiên trong dân cư đã giúp giảm đáng kể ô nhiễm không khí, đặc biệt trong mùa đông khi khí tượng không thuận lợi. Đồng thời, Bắc Kinh thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và phương tiện giao thông bền vững như xe điện, vừa giảm ô nhiễm vừa tạo động lực phát triển kinh tế.
Theo Giáo sư Yafang Cheng, việc triển khai mô hình này cần kết hợp giữa đầu tư hạ tầng, chiến dịch truyền thông, và cung cấp nguồn năng lượng sạch. Sự đồng thuận của cộng đồng là yếu tố quyết định để thành công.
Bà nhận định để giảm ô nhiễm không khí, cần sự hợp tác quốc tế và đầu tư dài hạn. Mặc dù chi phí ban đầu có thể cao, nhưng những lợi ích lâu dài về môi trường và sức khỏe là vô giá. Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác với các quỹ nghiên cứu quốc tế và tổ chức môi trường để tìm kiếm giải pháp bền vững cho tương lai.
Ngoài ra tại toạ đàm, các nhà khoa học cũng nhất trí rằng, thúc đẩy tiến bộ trong hành động vì khí hậu và công bằng xã hội đòi hỏi một chiến lược thúc đẩy liên ngành giữa khoa học và chính sách.
Nhà nước cần đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản để tìm ra nguyên nhân và cơ chế gây ô nhiễm làm cơ sở để xây dựng chính sách; thiết lập các vùng phát thải thấp tại các đô thị lớn, kết hợp với các hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động; bổ sung các quy định về kiểm tra khí thải định kỳ cho xe gắn máy và xe hơi để giảm thiểu tác động của giao thông đến chất lượng không khí. Đặc biệt, cần đầu tư vào hạ tầng sạc công cộng và các chính sách hỗ trợ tài chính thúc đẩy người dân chuyển đổi sử dụng xe điện.
Cùng với đó Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, áp dụng công nghệ tiên tiến và triển khai các chính sách mạnh mẽ hơn để đối phó với các thách thức hiện tại, xây dựng một tương lai xanh, sạch, bền vững./.
Nguồn: Cách nào giúp Việt Nam kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn? | Vietnam+ (VietnamPlus)