Các tỉnh Việt Bắc cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa riêng
13:57 - 02/09/2022
“Mỗi tỉnh Việt Bắc cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương“, đó là ý kiến định hướng của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Hội thảo “Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc” diễn ra sáng 26/8, tại thành phố Hà Giang.
Trong khuôn khổ chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII, sáng 26/8, tại thành phố Hà Giang, UBND 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và chủ nhà Hà Giang phối hợp tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc”.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ VH,TT&DL; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Thường trực UBND và lãnh đạo Sở VH,TT&DL 6 tỉnh Việt Bắc.
Ghin nhận và đánh giá cao sáng kiến của các tỉnh Việt Bắc do Hà Giang chủ trì trong xác định chủ đề hội thảo lần này, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng (ảnh trên) đề nghị hội thảo cần xác định cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết vùng.
“Cần nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ đâu là điểm nghẽn cần khơi thông. Đặc biệt, mỗi tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương; chú trọng cách xây dựng sản phẩm, quản lý sản phẩm và đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại dưới góc độ KT-XH”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Để liên kết thực sự bền vững và phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp, liên kết du lịch phải bắt đầu từ doanh nghiệp; đồng thời làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch. Bộ trưởng mong muốn, sau hội thảo, các tỉnh sẽ có những bước đi vững chắc trong việc xây dựng sản phẩm, phát triển liên kết du lịch vùng, góp phần thúc đẩy toàn diện kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của 6 tỉnh chiến khu Việt Bắc.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Đặng Quốc Khánh- Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (ảnh trên) bày tỏ niềm vinh dự khi là địa phương đảm nhiệm đơn vị trưởng nhóm hợp tác chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII.
Ông Đặng Quốc Khánh cho biét, Hà Giang xác định du lịch là một trong 3 đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020 – 2025, và tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch, liên kết vùng. Để việc liên kết phát triển du lịch vùng Việt Bắc thiết thực hơn, hiệu quả hơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang mong muốn các địa phương, doanh nghiệp 6 tỉnh Việt Bắc cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế.
Đồng thời tích cực liên kết phát triển du lịch vùng cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương; đồng thời đảm bảo theo nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn chiến khu.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương, xây dựng tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc. Tăng cường hợp tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch liên kết; xây dựng đề án xúc tiến chung cho từng giai đoạn cụ thể. Phát triển đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất nối liền các điểm tham quan, du lịch.
Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty lữ hành đến khảo sát xây dựng kết nối tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về tiềm năng, lợi thế và xác định mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch vùng, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính liên kết vùng, góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng Việt Bắc phát triển nhanh trong những năm tới.
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND 6 tỉnh Việt Bắc đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2027 và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc gồm: Sản phẩm “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; sản phẩm “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; sản phẩm “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
Đây là những sản phẩm được hình thành dựa trên tuyến thuận lợi về hạ tầng giao thông, kết nối những điểm di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ, tạo thành các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Vùng Việt Bắc nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Việt Bắc là cái nôi cách mạng, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu với nhiều di sản văn hóa độc đáo. Nơi đây được biết đến là miền đất non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình và con người mộc mạc, thân thiện, mến khách. Được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan đẹp hùng vỹ, Việt Bắc được đánh giá là điểm đến thú vị với những địa danh nổi tiếng, di tích lịch sử cách mạng và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Đây là những thế mạnh để các tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng |
https://vanhoavaphattrien.vn/cac-tinh-viet-bac-can-xay-dung-san-pham-du-lich-dac-trung-tieu-bieu-mang-dam-dau-an-van-hoa-rieng-a14889