Cac tap doan da quoc gia su dung AI de quan ly chuoi cung ung hinh anh 1Siemens là một trong số những công ty sử dụng AI để đàm phán hợp đồng. (Nguồn: Getty Images)

Một số công ty lớn nhất thế giới đang chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều hướng chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp, khi họ phải đối mặt với tác động của căng thẳng địa chính trị cùng áp lực phải loại bỏ các rủi ro vi phạm nhân quyền và môi trường.

Unilever, Siemens và Maersk nằm trong số những công ty sử dụng AI để đàm phán hợp đồng, tìm nhà cung cấp mới hoặc giúp xác định những người liên quan đến các vấn đề rủi ro như lao động cưỡng bức.

Mặc dù sử dụng AI để hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng đã xuất hiện trong nhiều năm, nhưng sự phát triển của cái gọi là công nghệ AI tạo sinh (generative AI) đã tăng thêm cơ hội để tự động hóa những quy trình trong chuỗi hơn nữa.

Nhiều công ty đa quốc gia đối mặt với nhu cầu phải theo sát các nhà cung cấp và khách hàng của họ vì những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Bên cạnh đó, những điều luật mới điều chỉnh chuỗi cung ứng ở các quốc gia như Đức yêu cầu các công ty phải giám sát vấn đề môi trường và nhân quyền trong chuỗi cung ứng của họ.

[Mỹ hướng tới các tiêu chuẩn an toàn và thúc đẩy sử dụng AI]

 

Trong bối cảnh đó, vào tháng 12/2022, Maersk - tập đoàn chuyên về vận chuyển bằng container lớn thứ hai thế giới đã cấp 20 triệu USD tài trợ cho Pactum, một công ty khởi nghiệp ở San Francisco đang phát triển một chatbot giống như ChatGPT của OpenAI.

Ông Kaspar Korjus, người đồng sáng lập của Pactum, cho hay công ty đang thay mặt hàng chục “ông lớn” thuộc nhóm Fortune 500 như Maersk, Walmart và tập đoàn phân phối Wesco đàm phán hợp đồng với các nhà cung cấp với các thỏa thuận trị giá tới cả triệu USD.

Theo ông, trong giai đoạn các rủi ro và gián đoạn xuất hiện dồn dập như hiện thời, các công ty khó có thể dành nhiều thời gian cho hoạt động đàm phán. Như với Walmart, tập đoàn bán lẻ này sẽ không có thời gian để tiếp cận với hàng chục nghìn nhà cung cấp của họ.

Trong khi đó, giống như nhiều công ty đa quốc gia khác, tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Kể từ năm 2019, Siemens đã sử dụng các dịch vụ của Scoutbee, một startup có trụ sở ở Berlin phát triển chatbot có thể đáp ứng các yêu cầu xác định vị trí nhà cung cấp thay thế, hoặc các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của khách hàng. Lý do chính cho động thái của Siemens là các căng thẳng địa chính trị lên cao.

Phía Scoutbee cũng cho hay Unilever, một khách hàng khác của họ đã có thể tìm kiếm nhà cung cấp thay thế khi Trung Quốc phải phong tỏa để phòng dịch COVID-19.

Ông Evan Smith, Giám đốc điều hành của startup Altana ở New York, chia sẻ công ty có khách hàng bao gồm Maersk của Đan Mạch cũng như các cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ. Altana đã giúp rà soát các tờ khai hải quan, chứng từ vận tải và các dữ liệu khác để xây dựng bản đồ kết nối 500 triệu công ty trên toàn cầu.

Khách hàng có thể sử dụng nền tảng hỗ trợ AI của Altana để theo dõi nguồn gốc lực lượng lao động phụ trách sản xuất, thậm chí theo dõi xem sản phẩm của chính họ có đang được sử dụng trong các hệ thống vũ khí nước ngoài hay không.

Ông Smith chia sẻ, riêng việc xây dựng bản đồ đã đòi hỏi phải xử lý hàng tỷ điểm dữ liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau. Cách duy nhất để có thể xử lý tất cả những dữ liệu thô đó là sử dụng AI.

Theo một cuộc khảo sát với 55 quản lý cấp cao do tập đoàn logistics Freightos thực hiện trong tháng này, có tới 96% chuyên gia trong chuỗi cung ứng đang có kế hoạch sử dụng công nghệ AI, trong khi mới chỉ 14% đã sử dụng nó.

Tuy nhiên, gần 30% tin rằng việc sử dụng AI sẽ dẫn đến các kế hoạch cắt giảm đáng kể việc làm trong doanh nghiệp của họ. Điều này cũng nhấn mạnh những lo ngại về tác động của công nghệ AI đối với việc làm của con người./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)