Cac ngan hang cua chau Au doi mat rui ro moi sau thoi gian phuc hoi hinh anh 1Các đồng tiền giấy và tiền xu euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính đã kéo theo một loạt lo ngại về cách các ngân hàng sẽ đối phó với tình hình ra sao, khi các nhà quản lý cảnh báo rằng họ có thể lặp lại một số sai lầm dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.

Các cơ quan giám sát đang lo ngại những biến động lớn gần đây về giá tài sản có thể tăng thêm áp lực lên các ngân hàng trong khu vực, sau khi họ đã chịu tác động từ một loạt yếu tố bất lợi như xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, lạm phát gia tăng và triển vọng kinh tế xấu đi.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Tâm lý lo lắng đó đã được thể hiện quá rõ ràng trên khắp các thị trường.

Một số nhà đầu tư đã hoảng sợ vào thứ Sáu tuần trước (30/9), khiến đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh rơi vào tình trạng “rơi tự do” sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch cắt giảm thuế và bù đắp bằng nhiều khoản vay.

Sang đến tuần này, ngân hàng Credit Suisse đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm còn giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tăng vọt, khi nhà đầu tư lo ngại về kế hoạch tái cơ cấu của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ sau một loạt thất bại và thua lỗ.

Giám sát viên hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Andrea Enria, đã chỉ ra tác động từ sự biến động của thị trường tài chính, cùng giá cả và lãi suất tăng cao đối với các công ty và người tiêu dùng đang mắc nợ nhiều để cảnh báo các ngân hàng về các rủi ro tiềm tàng.

[ECB cân nhắc tiếp tục tăng thêm lãi suất vào tháng 10 và tháng 12]

Bên cạnh đó, ông Enria đã chỉ ra khả năng các khoản vay có thể không được thanh toán và việc các chính phủ lại đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn điều này như trong đại dịch hiện ít có khả năng thành hiện thực hơn. Do đó, ông thúc giục các ngân hàng phải xem xét những cảnh báo này một cách nghiêm túc.

Tâm lý “quá lạc quan”?

Những nhận định của ông Enria theo sau một cảnh báo chính thức hiếm hoi của Ủy ban Rủi ro Hệ thống châu Âu (ESRB) về các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính hoặc hoạt động của hệ thống tiền tệ châu Âu, vốn đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ.

ESRB nêu bật những rủi ro bao gồm giá năng lượng cao hơn làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người đi vay, thị trường năng lượng biến động gây “căng thẳng” cho các thương nhân, giá bất động sản giảm trong khi cho vay thế chấp là hoạt động kinh doanh trung tâm của nhiều ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lo lắng rằng những cảnh báo của họ sẽ không được chú ý đúng mức.

Cac ngan hang cua chau Au doi mat rui ro moi sau thoi gian phuc hoi hinh anh 2Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Lucciana, Bastia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos gần đây đã nhấn mạnh những rủi ro trên thị trường bất động sản và các khoản nợ ngày càng tăng, thúc giục các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn trước khi các khoản vay biến thành các khoản vay không được thanh toán.

Trước đó, ông cũng cảnh báo rằng giới đầu tư đang lạc quan quá mức. Một số người tin rằng các công ty vẫn có thể thanh toán các khoản vay nhiều rủi ro ngay cả khi xảy ra một cuộc suy thoái.

Những mối đe dọa này từng được nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán giữa các cơ quan quản lý châu Âu và các ngân hàng dưới sự giám sát của họ. Đầu năm nay, ECB đã gửi văn bản tới các ngân hàng, yêu cầu họ cắt giảm cho vay đối với những người đi vay mắc nợ nhiều nhất.

Giá trị các giao dịch đòn bẩy của 28 ngân hàng lớn nhất Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng từ 300 tỷ euro vào năm 2018 lên khoảng 500 tỷ euro trong năm nay, khi các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận có độ rủi ro cao hơn.

Các ngân hàng đã phản hồi và vạch ra cách họ kiểm soát rủi ro từ hoạt động kinh doanh đó.

Nhưng nhận xét của ông Enria cho thấy không phải ngân hàng nào cũng rút ra được bài học từ những sai lầm trong quá khứ. Ông chỉ ra thái độ ngày càng lạc quan khiến các ngân hàng có thái độ miễn cưỡng nhất định trong việc nghiêm túc tham gia vào các cuộc thảo luận về rủi ro tài chính.

Khi mối quan tâm ngày càng tăng, các nhà đầu tư đã bỏ phiếu bằng hoạt động của mình. Chỉ số cổ phiếu các ngân hàng châu Âu đã giảm 22% kể từ đầu năm tới nay, khiến nó được giao dịch ở mức thấp hơn 40% so với giá trị tài sản của các ngân hàng.

Nhưng chuyên gia Karel Lannoo của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho biết các ngân hàng hiện nay an toàn hơn nhiều so với trước đây. Theo chuyên gia này, việc định giá cổ phiếu của các ngân hàng đang ở mức như hiện tại đồng nghĩa nhà đầu tư đã định giá những tin tức bất lợi từ trước.

Giám đốc điều hành của ngân hàng Santander, ông Jose Antonio Alvarez cho biết thanh khoản trong khu vực ngân hàng là "cực kỳ cao" và ông không thấy rủi ro “lây nhiễm” từ tình hình của Credit Suisse./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)