Các hiệp định thương mại tự do thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam
12:58 - 27/12/2022
Những năm qua, các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có tác động tích cực đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, đã có 15 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hai hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Các hiệp định này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, đồng thời cũng thúc đẩy các bộ ngành nâng cao hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
Tạo nhiều kênh hỗ trợ
Lợi thế của hiệp định thương mại tự do là ưu đãi về thuế quan xuất nhập khẩu được mở rộng theo thời gian hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mới có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường với những sản phẩm cùng loại.
"Để những lợi thế này phát huy, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, thiết kế riêng cho từng thị trường, đặc biệt ưu tiên thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và những thị trường "khó tính" khác. Theo đó, Thương vụ Việt Nam ở các thị trường có ký kết FTAs sẽ xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này với các doanh nghiệp, đồng thời thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam," bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Cùng với những lợi thế từ các FTAs, trong năm 2022, ghi nhận kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam duy trì là thị trường xuất siêu trong 7 năm liền, với nhiều nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 của Việt Nam ước đạt 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Trong kết quả xuất nhập khẩu này, có nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD.”
[Xuất khẩu dệt may năm 2022 cán đích ngoạn mục]
Hiện tại, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), đặc biệt, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn một mặt hàng so với năm 2021). Trong câu lạc bộ ngành hàng tỷ USD, riêng sản phẩm nông nghiệp chiếm 8 ngành hàng.
Còn đối với câu lạc bộ xuất khẩu chục tỷ USD, trong năm 2022 có ngành hàng thuỷ sản vượt khó, góp mặt trong câu lạc bộ này, nâng số ngành hàng xuất khẩu chục tỷ USD lên 9 ngành hàng, cùng với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ góp mặt trong câu lạc bộ này.
Đánh giá về triển vọng và lợi thế xuất nhập khẩu của Việt Nam, cùng với những ưu thế các FTAs mang lại, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, để thích nghi, doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ sấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng đã và đang tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.
Cùng với đó, ngành dệt may cũng hướng đến việc đa dạng hóa các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô cũ, châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt,Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu lớn, nằm trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của dệt may Việt Nam.
Tiến đến phục hồi thực chất
Có thể nói trong hai năm 2021 và 2022, doanh nghiệp đã chịu sự cộng hưởng từ dịch COVID-19 đến lạm phát kinh tế thế giới diễn ra gay gắt vào nửa cuối năm 2022 nhưng với việc phát huy hiệu quả rõ rét trong tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ của cả nước phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao.
Điều này cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế đã đi vào chiều sâu mang tính thực chất; chủ trương bảo đảm sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập, nâng cao tính tự cường của nền kinh tế đã được Bộ Công Thương triển khai nhất quán.
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) chia sẻ, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần so với kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19 và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.
Thêm vào đó, Thương mại điện tử của Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng.
Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Để có những thay đổi và phục hồi đang chưa ý này, xúc tiến thương mại cũng đã có nhiều đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và duy trì xuất khẩu bền vững.
Hơn nữa, phòng vệ thương mại cũng đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được thiết lập để bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước, ông Trịnh Minh Anh cho biết thêm./.