Cac du an dau tu nuoc ngoai giai ngan hon 2,5 ty USD trong hai thang hinh anh 1Cả nước ghi nhận có 261 dự án mới được mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong hai tháng qua, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 11,4 điểm phần trăm so với tháng Một.

Như vậy, cả nước ghi nhận có 261 dự án mới được mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD (tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ). Cụ thể có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD (giảm 85,1% so với cùng kỳ); 440 lượt góp vốn mua cổ phần có tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

[Kinh tế CPI tháng Hai tăng 0,45% do giá xăng dầu và thuê nhà tăng cao]

Về ngành nghề, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Kế đến là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD.

 

Báo cáo cũng cho biết có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2022. Thứ hai là Đài Loan đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp 3,85 lần so với cùng kỳ. Thứ ba là Hà Lan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển,…

Trong hai tháng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm song mức độ giảm đã được cải thiện so với tháng Một. Cụ thể, xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt hơn 38,4 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ, chiếm 76,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 38,1 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ, chiếm gần 76% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của khu vực này ước đạt hơn 33 tỷ USD, giảm 10,9% so cùng kỳ và chiếm 67,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Theo đánh giá từ báo cáo, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm song tính chung trong 2 tháng, song khu vực nhà đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu gần 5,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 5 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 4,2 tỷ USD./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)