"Tìm kiếm cơ hội mới vốn là hành động thường xuyên của các nhà đầu tư trên thế giới dù trong hoàn cảnh môi trường đầu tư biến đổi như thế nào. Song trong bối cảnh hiện nay, cơ hội đang trở nên khó tìm kiếm do các biến số ngày càng nhiều và phức tạp hơn."

Đánh giá trên được ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh tại buổi Tọa đàm về Cơ hội đầu tư 2023 với chủ đề: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới diễn ra ngày 7/2.

Thắt chặt "dây an toàn"

Tại sự kiện, điểm lại những biến động của năm 2022, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nền kinh tế phục hồi rất mạnh qua việc tăng trưởng kinh tế và các ngân hàng mạnh tay cho vay. Nhưng đến cuối năm 2022, kinh tế trong nước đã có dấu hiệu chững lại do chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài và nội tại.

Điều này đã thể hiện trên thị trường tài chính trong nước. Cụ thể, thị trường chứng khoán mất hơn 30% giá trị; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và thị trường vàng biến động rất mạnh. Bên cạnh đó, ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất để thu hút vốn (do huy động thấp so với tăng trưởng tín dụng). Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải nới room tín dụng nhiều lần trong năm cho các ngân hàng và đến cuối năm nâng trần tín dụng đến 15,5 và 16%.”

Đánh giá chung về các kênh đầu tư trong năm 2023, ông Hiếu cho rằng trong bối cảnh như trên, hầu hết các dòng tiền đầu tư sẽ chuyển hướng sang “thắt chặt dây an toàn.”

 

[Kinh tế Tài chính Fed tăng lãi suất lần thứ 8: Không đáng lo ngại với kinh tế Việt Nam]

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Nhà sáng lập TOPI - Ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính, cho biết 20 báo cáo của các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới đã đưa ra nhận định về năm 2023 với 2 cụm từ “lạm phát và suy thoái” có tần suất lặp đi lặp lại ở mức cao.

Trong nước, ông Tuấn cho hay các nhà đầu tư đang ở giai đoạn thiên về các tài sản phòng thủ (tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm) và giảm các tài sản tăng trưởng (cổ phiếu, bất động sản...).

Tuy nhiên, đánh giá cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông Tuấn cho rằng có thể xuất hiện ngay trong quý đầu của năm.

Nhận định kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ phục hồi dần, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư của Dragon Capital cho rằng năm 2023, các nhà đầu tư có thể kiếm được tiền nếu biết phân tích thị trường và có đủ tự tin. Bởi thị trường chứng khoán ở thời điểm này ai cũng sợ vì quá thua lỗ.

Ông Điền đánh giá nền kinh tế sắp tới sẽ rất năng động, doanh nghiệp cũng sẽ tự biết cách để giải bài toán của mình và Chính phủ cũng đang rất nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, môi trường lãi suất cao 14-15% cũng sẽ không kéo dài lâu, kể cả với bất động sản bởi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tới nền kinh tế.

Cụ thể hơn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích và Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS trao đổi trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất ở mức cao, dòng tiền trên thị trường chứng khoán khó có thể quay về thời kỳ đỉnh cao như 2020-2021. Theo đó, giai đoạn này và trong nửa đầu năm 2023, thị trường đang tích luỹ và tạo những biến động nhỏ "sóng lăn tăn."

“Đây là thời điểm dành cho cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện riêng trong các nhóm ngành, như xây dựng, đầu tư công, ngân hàng… Cá nhân tôi dự cảm năm 2023 là tích cực hơn và vẫn có những cơ hội với nhà đầu tư,” ông Khánh nói.

Bắt nhịp với cơ hội mới

Đối với các kênh đầu tư mới, nhìn chung các đánh giá tại tọa đàm có những nhãn quan tích cực hơn so với năm 2022 và dự đoán có nhiều bất ngờ mới trong năm 2023.

Ông Thái Việt Dũng, Giám đốc Exness tại thị trường Việt Nam chia sẻ trong thời đại công nghệ phát triển tiên tiến mới, sự lựa chọn sàn giao dịch uy tín và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ kết nối nhà giao dịch với tài chính thế giới là một xu hướng.

Việc đa dạng hoá tài sản giao dịch phong phú từ nhiều sản phẩm không chỉ từ các tài sản truyền thống như hàng hoá, chứng khoán cơ sở, mà còn với các tài sản khác như tiền tệ, hàng hoá kim loại, tiền kỹ thuật số, chỉ số phái sinh, chứng khoán nước ngoài…

Về điều này, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Uỷ ban Web 3.0, Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định sau mỗi cuộc suy tàn thì đây là cơ hội tốt nhất để bắt đầu. Những mô hình kinh doanh thực sự như SocialFi có thể đi vào đời sống cùng với blockchain với các ứng dụng thiết thực có cơ hội phát triển. Theo ông, blockchain là công nghệ mới, lĩnh vực mới, lượng nhà đầu tư trẻ hoá và lực lượng gia nhập thị trường hiện tại là nguồn vô tận.

Cac dong tien dau tu se chuyen sang huong an toan trong nam 2023 hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Lê Minh Phương, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Thương mại AIMS Futures Việt Nam chia sẻ thêm về thị trường phái sinh hàng hóa. Bên cạnh những ưu điểm như có khả năng giao dịch hai chiều, thanh khoản của thị trường hàng hóa phái sinh rất lớn nhờ việc liên thông với thế giới. Điều này đã giúp các nhà đầu tư ra/vào thị trường rất thuận lợi, không bị kẹt hàng cũng như giúp khả năng quản lý rủi ro tốt hơn rất nhiều và cuối cùng là yêu cầu ký quỹ thấp từ 7-15% giá trị hàng thực.

“Các nhà đầu tư có thể phân bổ, tận dụng vốn tốt hơn nhiều, lợi nhuận tiềm năng so với vốn đầu tư tương đối lớn. Hiện tại mức độ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vào thị trường phái sinh hàng hóa đang tăng mạnh trong những năm gần đây,” ông Phương nói.

Cập nhật những những quy định mới và giải đáp về hành lang pháp lý cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL chia sẻ năm 2022 thắt chặt nhiều vấn đề về pháp luật, đặc biệt có những vấn đề tưởng như không xử lý được và là điểm trống của pháp luật trước đây như trái phiếu, hiện giờ là cổ phiếu và cả bất động sản hay tài sản số blockchain. Tới năm 2023, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật để có thêm các điều khoản mới, tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn để phát triển nền kinh tế./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)