Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội vừa có kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách năm 2022.

Theo đó, bảng đánh giá được dựa trên số điểm tương ứng như 5 sao (>80 điểm), 4 sao (61-80 điểm), 3 sao (41-60 điểm), 2 sao (21-40 điểm) và 1 sao (<21 điểm).

Cụ thể, thành phố Hà Nội đánh giá chất lượng dịch vụ 5.990.659 lượt xe, trong đó có 5.985.541 lượt xe đạt 5 sao (chiếm 99,91%); có 4.682 lượt xe đạt 4 sao (chiếm 0,1%).

Với dịch vụ tuyến, tổng số đánh giá 153 tuyến và nhánh tuyến thì có 38 tuyến và nhánh tuyến (chiếm 24,48%) đạt dịch vụ 5 sao; 104 tuyến (chiếm 67,3%) đạt 4 sao và 11 tuyến (chiếm 7,84%) dịch vụ đạt 3 sao. Đáng chú ý, thành phố không có chất lượng dịch vụ tuyến buýt nào đạt 2 sao.

Liên quan đánh giá xếp hạng doanh nghiệp vận hành các tuyến buýt của thành phố Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đạt số điểm 85, xếp hạng 5 sao; các doanh nghiệp còn lại đạt 65-75 điểm nên xếp hạng 4 sao; không có doanh nghiệp xếp hạng 3 sao, 2 sao và 1 sao.

“Với kết quả trên cho thấy, các đơn vị có xếp hạng tương đồng nhau, sự chênh lệch chủ yếu do quy mô, số lượng tuyến buýt mà đơn vị đang vận hành khai thác,” ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội nhìn nhận.

 

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác của dịch vụ xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận hành khai thác buýt rà soát, nghiên cứu phương án điều chỉnh luồng tuyến 67 tuyến.

[Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Sẽ dừng hoạt động tuyến buýt không hiệu quả]

Với phương tiện các tuyến buýt có niên hạn sử dụng từ 9-10 năm, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị quan tâm và tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa xe để đảm bảo số phương tiện tốt hoạt động trên tuyến; có kế hoạch đầu tư, đổi mới phương tiện trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp cần tập trung công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, nhân viên phục vụ bài bản về thái độ phục vụ và quy trình tác nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ trên tuyến của đơn vị đồng thời phối hợp với lực lượng giám sát của trung tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sản lượng và doanh thu.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 512/579 số xã, phường, thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%.

Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.

Phương tiện xe buýt tiếp tục được đơn vị vận hành đầu tư, thay mới để nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư và thay mới 217 xe buýt đối với 25 tuyến, đưa thêm 97 xe buýt điện và 37 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) vào hoạt động, nâng tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch lên 276 xe (chiếm 13,6%)./.

Việt Hùng (Vietnam+)