Cac dia phuong Viet Nam va Phap tang quy mo, linh vuc hop tac hinh anh 1Phiên khai mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12, tại Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Kết quả của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 tiếp tục khẳng định vai trò của hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp như một trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, giúp thắt chặt hơn nữa sợi dây giao lưu, gắn kết, chia sẻ, đối thoại giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Đây là ý kiến nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Phiên khai mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12, diễn ra sáng 14/4, tại Hà Nội.

[Hội nghị Việt-Pháp: Cơ hội quảng bá hình ảnh Thủ đô tới du khách]

Theo ông Đinh Tiến Dũng, trong tổng thể các lĩnh vực, tầng bậc và hợp tác giữa Việt Nam-Pháp, hợp tác giữa các địa phương hai nước đã trở thành nét đặc trưng và là một điểm sáng. Hơn nữa, Pháp là nước duy nhất mà Việt Nam có cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương định kỳ và luân phiên.

Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh thành phố của Việt Nam tham gia cơ chế hợp tác này với 240 dự án giữa địa phương của hai nước, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững…

Nhấn mạnh thêm, theo Bí thư Thành ủy, Thủ đô Hà Nội khẳng định dấu ấn trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp thông qua các dự án hợp tác đầu tư, thương mại, hợp tác mẫu trong quan hệ quốc tế, triển khai dự án dân sinh và nhiều dự án khác mà Hà Nội đã hợp tác với các địa phương của Pháp như: Tulu; với Liên đoàn nước (SIAFF) và với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... Đó là các dự án thí điểm trùng tu một số công trình kiến trúc tại khu phố cổ, là lớp học song ngữ, là khu phố đi bộ, vườn hoa, bến xe buýt xanh, xử lý rác thải và kiểm soát ô nhiễm không khí... 

 

Với số người đăng ký tham dự, tham luận và thảo luận tại mỗi phiên đã vượt quá dự kiến của Ban Tổ chức, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng các địa phương, các cơ quan, các tổ chức sẽ có những cơ hội thảo luận sôi nổi và thực chất; tiếp cận các công nghệ và kinh nghiệm giá trị trong quản lý, quy hoạch và phát triển của chính quyền các địa phương, các tổ chức, các đơn vị nghiên cứu của Pháp đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các dự án hợp tác chung phù hợp.

Cac dia phuong Viet Nam va Phap tang quy mo, linh vuc hop tac hinh anh 2Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thông tin tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết với tinh thần cầu thị, sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian qua, Hà Nội kỳ vọng và tin tưởng Hội nghị lần thứ 12, với tinh thần sáng tạo, đoàn kết, chia sẻ để thành công, sẽ tiếp tục tạo thêm những cơ hội mới, kết nối mới, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy toàn diện cho quá trình hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước Việt Nam và Pháp.

Theo Chủ tịch thành phố Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị, các địa phương của Việt Nam và Pháp sẽ thảo luận về những cơ hội và khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị hợp tác trên 4 cụm chủ đề trung tâm, đó là: Đô thị bền vững; môi trường, nước và xử lý nước; văn hóa, di sản và du lịch; thành phố thông minh và số hóa.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse Jean-Claude Dardelet bày tỏ vinh dự khi trở thành đối tác với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Theo đó, thời gian qua hai bên đã có nhiều hoạt động kết nối giữa các cơ quan cấp địa phương như Sở ngoại vụ địa phương, Cơ quan phát triển Pháp… để phát triển các dự án hợp tác cụ thể trên địa bàn hai thành phố.

Điểm lại lịch sử Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp triển khai từ năm 2004 tới nay, ông Jean-Claude Dardelet cho biết ngày càng nhiều chủ đề mới được đề cập tại sự kiện hàng năm này, với sự tham gia mạnh mẽ của các bộ ngành, đối tác kinh tế công-tư.

Tại Hội nghị lần thứ 11 ở Toulouse năm 2019 có 650 đại biểu với 40 chính quyền địa phương tham gia, nhiều mô hình kinh tế mới ra đời thông qua các cuộc hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp B2B, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự như cách thức chuyển đổi số, di sản, giáo dục đào tạo, y tế... Tiếp nối thành công đó, ông Jean-Claude Dardelet bày tỏ tin tưởng vào sự thành công của hội nghị lần này tại Hà Nội và khẳng định sự kiện lần này sẽ còn đạt những mục tiêu, thành tựu xa hơn.

Sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, 50 tỉnh, thành của Việt Nam, 15 địa phương của Pháp và đại diện các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, Hội đoàn, bệnh viện, trường Đại học của Việt Nam và Pháp và hàng trăm đại biểu đăng ký tham dự các hội thảo chuyên đề... cho thấy các chủ đề của hội nghị đã bám sát thực tiễn, đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa cốt lõi, trọng tâm trong chính sách phát triển của các địa phương Việt Nam và Pháp.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp với các hoạt động tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền, chính quyền doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp; cùng với các sự kiện Không gian “Sắc màu Việt Nam,” Lễ hội “Dạo chơi nước Pháp” và hàng loạt chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, khảo sát, trưng bày, triển lãm về thành tựu quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp sẽ là những điểm nhấn trong khuôn khổ kỳ Hội nghị lần thứ 12 này.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 diễn ra từ ngày 14/4 đến 16/4. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực hơn nữa, bên cạnh những thành tựu trong công tác bảo tồn di sản, phát huy giá trị văn hóa./.

Xuân Quảng (Vietnam+)