Các bảo tàng tại Israel - một giai điệu êm ả của cuộc sống
08:32 - 18/05/2022
Đến thăm Bảo tàng ANU Lịch sử Người Do Thái, du khách cứ ngỡ đây là một bảo tàng về công nghệ, bởi cơ sở hạ tầng hiện đại và mức độ số hóa ở tất cả mọi khâu, từ mua vé tới trải nghiệm.
Nằm trong khuôn viên của Đại học Tel Aviv, ANU là một ví dụ về sức sống của bảo tàng tại Israel, quốc gia có số lượng bảo tàng nhiều nhất thế giới tính theo tỷ lệ dân số.
Với dân số chưa đầy 10 triệu người, Israel có tổng cộng trên 200 bảo tàng khác nhau, trong đó 54 bảo tàng được nhà nước công nhận chính thức và gần 200 bảo tàng đăng ký hoạt động với Hội đồng Bảo tàng Quốc tế tại Israel (ICOM Israel).
Các bảo tàng hoạt động với các chủ đề đa dạng, từ lịch sử, tự nhiên, khoa học, nghệ thuật, tới bảo tàng về quân sự, ápphích, đá quý, đồ thủ công mỹ nghệ...; từ các bảo tàng hiện đại tầm cỡ quốc tế tới các bảo tàng tư nhân mở ngay tại gia đình.
Bên cạnh các bảo tàng lớn mang tầm cỡ quốc tế xét về số lượng du khách tới thăm hàng năm, như Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv, Bảo tàng Israel, Bảo tàng Yad Vashem tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Holocaust, Israel có nhiều bảo tàng tư nhân xuất phát từ một gia đình có truyền thống như bảo tàng Ben Gurion, bảo tàng Goodman, bảo tàng Bialik House.
Một số bảo tàng ra đời ngay tại các hợp tác xã nông nghiệp (Kibutz). Một số cơ quan tổ chức muốn có bảo tàng của riêng mình, như bảo tàng quân đội.
Thậm chí có những bảo tàng được thành lập trước khi Nhà nước Israel tuyên bố độc lập vào năm 1948, như Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv và một số bảo tàng ở Jerusalem.
Chủ tịch ICOM Israel, bà Raz Samira cho biết Israel có nhiều bảo tàng nhờ một di sản văn hóa có chiều dài lịch sử và rất đa dạng.
Mỗi lĩnh vực lại có những bảo tàng tương ứng, như bảo tàng lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, tôn giáo.
Ngoài ra, người dân Israel rất quan tâm tới giáo dục truyền thống và giáo dục gia đình. Bảo tàng là nơi mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng những bài học và kiến thức lịch sử thông qua các hiện vật gốc.
Cứ vào dịp cuối tuần, các bảo tàng đều đông nghịt người dân đưa cả gia đình đến tìm hiểu, học tập và thư giãn.
Bà Samira nhận xét: “Bảo tàng ngoài chức năng là một địa điểm học tập còn được coi là một nơi để tìm kiếm sự yên bình. Người dân đến đây để tìm kiếm một giai điệu êm ả của cuộc sống.”
Sự quan tâm của công chúng là một trong những yếu tố quan trọng duy trì nguồn sống các bảo tàng tại Israel.
Với giá vé vào cửa trung bình trên 10 USD/người, một số bảo tàng lớn có thể đạt doanh thu hàng triệu USD/năm.
Bảo tàng Israel và Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv nằm trong số 150 bảo tàng lớn nhất thế giới, mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tới thăm.
Tính chung trên toàn Israel, ước tính mỗi năm có trên 3 triệu lượt khách, một con số rất lớn so với quy mô dân số chưa đầy 10 triệu người.
Ngoài nguồn thu bán vé, các bảo tàng ở Israel còn dựa vào nguồn hỗ trợ từ chính phủ và nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, chủ yếu từ các triệu phú gốc Do Thái đang sinh sống ở nước ngoài.
[Công nghệ thực tế ảo đưa Tổng thống Israel tới nhà từng người dân]
Theo Luật Bảo tàng năm 1983, chính phủ có trách nhiệm trong bảo tồn các vật thể di sản văn hóa và lịch sử thông qua hỗ trợ các bảo tàng về bảo đảm an ninh, thủ tục hành chính, phục chế di vật, công tác khảo cổ…
Các bảo tàng cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính quyền các thành phố thông qua miễn thuế nhà đất và các loại thuế khác.
Nhờ vậy, nhiều bảo tàng áp dụng chính sách miễn phí vé vào cửa với một số đối tượng như học sinh, người tàn tật, đồng thời giảm giá cho các đối tượng khác như sinh viên, người lớn tuổi, quân nhân.
Các bảo tàng tư nhân không nhận được hỗ trợ của chính phủ nhưng vẫn ra đời và tồn tại nhờ chủ nhân có tiềm lực tài chính từ các nguồn thu khác hoặc được tài trợ từ nước ngoài.
Nhiều bảo tàng do các gia đình tự lập ra, như bảo tàng Uri Geller ở Jaffa, Ralli ở thành phố Ceasarea hay Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt tại thành phố Tel Aviv.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt với chủ đề nghiên cứu đa dạng sinh học được thành lập dựa vào nguồn hỗ trợ về hiện vật của Đại học Tel Aviv, và đặc biệt là sự hỗ trợ về tài chính của gia đình ông Michael Steinhardt - cựu Chủ tịch Hội đồng điều hành đại học này.
Câu chuyện thành công của các bảo tàng tại Israel không thể bỏ qua sự năng động và sáng tạo của các bảo tàng.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế xã hội bị đình trệ, các bảo tàng vẫn duy trì hoạt động thông qua tích hợp công nghệ vào trình diễn và trưng bày.
Tại bảo tàng ANU Lịch sử Người Do Thái, du khách có thể thực hiện hầu hết các hoạt động thông qua các thiết bị công nghệ và tương tác tại chỗ, hoặc thông qua một phần mềm trên điện thoại thông minh.
Chỉ cần nhập họ tên vào điện thoại, ngay lập tức nguồn gốc, phả hệ gia đình đã được hướng dẫn viên “ảo” kể lại nguồn gốc lịch sử hàng nghìn năm.
Thế mạnh của một quốc gia khởi nghiệp đang hỗ trợ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại các bảo tàng ở Israel, đặc biệt là trong việc hướng tới phục vụ đối tượng trẻ.
Các bảo tàng hợp tác với công ty khởi nghiệp công nghệ nhằm phát triển những phương thức trưng bày khác nhau.
Đặc biệt, với những hiện vật quá khứ không còn tồn tại hoặc các lĩnh vực siêu vi, các bảo tàng áp dụng công nghệ thực tế ảo để đưa du khách tương tác trực tiếp trong một thế giới siêu thực về không gian, thời gian, như khám phá thế giới vi mô trong cơ thể hoặc tới thăm các dải thiên hà xa xôi trong vũ trụ.
Hầu hết các bảo tàng tại Israel đều hoạt động trên nền tảng số và mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok.
Không chỉ trưng bày giới thiệu hiện vật, bảo tàng cũng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo, các hoạt động trực tuyến, các lớp đào tạo kiến thức chuyên đề cho trẻ em và người lớn tuổi.
Ngoài ra, bảo tàng còn cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên du lịch, cho thuê hội trường tổ chức các cuộc hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc.
Tất cả những nỗ lực này góp phần tăng nguồn thu và tạo sự hấp dẫn đưa khán giả trở lại với bảo tàng sau thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành./.