Cà Mau: Xử phạt nhiều vụ tàng trữ, sử dụng kích điện khai thác thủy sản

17:13 - 25/01/2024

Trong năm 2023 vừa qua, Công an Thới Bình xử lý nhiều vụ việc về đánh bắt thủy sản bằng xung điện là hành vi hủy diệt tài nguyên môi trường. Được biết, trên địa bàn huyện đã phát hiện 85 vụ, xử phạt với số tiền gần 300 triệu đồng.

Phát hiện người dân sử dụng kích điện bắt thủy sản ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình

Hiện nay, nhiều người dân dùng kích điện khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn huyện Thới Bình. Đây là hoạt động nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Được biết, Công an huyện đã phát hiện 85 vụ, 85 đối tượng, xử phạt 78 vụ, 78 đối tượng với số tiền gần 300 triệu đồng. Đang xử lý 6 vụ, 6 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 66 vụ (85/19), tăng 66 đối tượng (85/19).

Vận động người dân ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình nộp bình kích điện

Từ đó, cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, xử lý rất nhiều vụ nhưng vẫn còn nhiều người dân có hành vi vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, khiến nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ cạn kiệt; khi sử dụng xung kích điện sẽ đe doạ trực tiếp tới tính mạng của người đánh bắt.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 5, Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về sử dụng điện để khai thác thủy sản như sau: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá; Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP; Đối với tổ chức, khi thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng. (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP).

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 242 Bộ luật hình sự 2015, người sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại đến nguồn lợi thủy sản dẫn đến hủy hoại tào nguyên môi trường.

Các trường hợp sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 2015; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Thượng tá Trần Công Sử - Trưởng công an huyện Thới Bình cho biết thêm: “Từ những số liệu và thực trạng khai thác thủy sản trái phép bằng xung điện trên địa bàn huyện cho thấy 85 đối tượng đã bị xử phạt hành chính, nếu còn tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, hậu quả pháp lý rất nặng nề.

Được sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện. Công an huyện Thới Bình sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản bằng xung điện trái phép.

Thời gian tới, sẽ chỉ đạo sâu sắc hơn nữa về việc sử dụng kích điện; dòng điện khi khai thác thủy sản. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Đề nghị mọi người dân nói “không” với hành vi sản xuất, tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép”.

Nguồn: Cà Mau: Xử phạt nhiều vụ tàng trữ, sử dụng kích điện khai thác thủy sản (opensky.com.vn)