Cà Mau: Xác minh thông tin ngư dân bị bạo hành dã man trên tàu cá
19:01 - 17/11/2022
Liên quan đến thông tin hai ngư dân bị bạo hành dã man trên tàu cá giữa biển gây xôn xao dư luận, ngày 17/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành công văn hỏa tốc về việc kiểm tra, xác minh thông tin.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên; xử lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm, báo cáo kết quả đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chậm nhất vào ngày 21/11.
Tối 15/11, mạng xã hội xôn xao khi xuất hiện 2 clip ghi lại cảnh 2 ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá.
Hình ảnh từ 2 clip này cho thấy vụ việc xảy ra trên tàu cá ở ngoài biển, nghi xảy ra trên vùng biển của tỉnh Cà Mau.
Liên quan đến thông tin này, ngày 17/11, Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời cho biết đã có báo cáo về vụ việc.
[Tạm giữ đối tượng bạo hành con trai 10 tuổi tại thành phố Đà Lạt]
Theo báo cáo, vào cuối tháng 5 các anh Trương Văn Trung (47 tuổi) và Lê Văn Bình (30 tuổi), cùng trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), đều làm nghề trú tại phủ, đã đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo về việc mình bị đánh trên tàu cá.
Theo trình báo, ba người tham gia đánh là Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, trú tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), Nguyễn Công Toàn (34 tuổi, trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) và Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi, trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Cụ thể, ngày 28/5, anh Lê Văn Bình đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo việc bị đánh gây thương tích trên tàu cá.
Sau đó, ngày 30/5, anh Trương Văn Trung cũng đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo việc bị đánh gây thương tích ở tàu cá đều mang biển kiểm soát BT 97993-TS.
Theo trình báo của hai anh Bình và Trung, vào ngày 4/1, tàu cá BT 97993-TS, do bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi là bà năm Bô) làm chủ, xuất bến để ra biển tại cửa sông Đốc.
Trên tàu có 7 người gồm Nguyễn Công Toàn (tên thường gọi là To, là con bà Hà) là tài công, Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ.
Sau đó, Nguyễn Văn Hùng không làm biển được nên đi nhờ ghe khác vào bờ, bà Hà thay thế bằng Lê Văn Bình. Sau khi ra biển, tàu cá BT 97993-TS hoạt động bình thường.
Đến ngày 23/5, anh Trung bị To, Tỵ và Hùng đánh gây thương tích (gãy 4 chiếc răng, dập môi và gối phải...).
Ngày 24/5, anh Bình bị To và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một chiếc răng. Qua làm việc, cả hai anh Bình và Trung không yêu cầu xử lý hình sự mà yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị.
Báo cáo cũng cho biết Công an thị trấn Sông Đốc đã ba lần yêu cầu bà Hà điều tàu cá vào bờ để làm rõ vụ việc nhưng bà Hà chưa đưa tàu vào bờ nên chưa xử lý được vụ việc.
Hiện nay, phương tiện đánh bắt thủy sản BT 97993-TS đang hoạt động trên biển. Anh Bình và Trung tiếp tục ra biển làm ngư phủ ở tàu khác, chưa vào bờ.
Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời cho biết thêm sau khi tiếp nhận thông tin đã chỉ đạo Công an huyện phân công lực lượng xác minh làm rõ vụ việc, phối hợp với Đồn biên phòng Sông Đốc yêu cầu bà Hà điều phương tiện vào bờ để làm việc với các đối tượng trên tàu, làm rõ vụ việc, nếu có dấu hiệu phạm tội thì tiếp nhận tin báo và khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật…/.