Sau hơn 2 tháng lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được nhiều người quan tâm là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây cũng là vấn đề đã và đang nổi lên không ít bất cập, khiến cả người dân và chính quyền đều đau đầu.

Vì thế, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng luật cần quy định rõ: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình; không nên căn cứ nhiều theo mục đích sử dụng đất.

Quy định đang gây thiệt thòi cho người dân

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sĩ Bùi Đức Hiển - Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nhấn mạnh việc thu hồi đất của người đang sử dụng đất thời gian qua có không ít bất cập; nhất là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Chỉ rõ nguyên nhân, ông Hiển cho hay pháp luật hiện quy định nguyên tắc xuyên suốt là thu hồi đất nào thì bồi thường đất cùng mục đích sử dụng; không có đất cùng mục đích sử dụng thì mới bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, đa số dự án thu hồi đất đều không có quỹ đất cùng mục đích sử dụng để bồi thường.

“Trong khi về phương án bồi thường bằng tiền, thực tiễn cho thấy giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường lại thấp hơn giá thị trường khá nhiều. Vì vậy, người có đất bị thu hồi rất ‘kỵ’ với việc nhận bồi thường bằng tiền,” ông Hiển nói.

 

Theo ông Hiển, sở dĩ có bất cập trên là bởi pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể để xác định giá như thế nào là phù hợp với thị trường. Giá đất để bồi thường giữa các tỉnh, huyện, quận, xã, phường giáp ranh hiện cũng chênh lệch nhau khá lớn.

Đặc biệt, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng hai giá đất trên thị trường. Nghĩa là, một bên căn cứ vào mức giá chung để tính bồi thường cho người dân (thường rất thấp) và bên kia là giá trị đất sau khi chuyển nhượng (cao hơn nhiều).

“Thậm chí, chỉ bằng một quyết định hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, ngay lập tức giá đất đã tăng lên hàng chục lần. Điều này làm cho người vừa có đất bị thu hồi choáng váng, xót xa,” ông Hiển nói và nhấn mạnh quy định pháp luật hiện hành đang gây thiệt thòi lớn cho người có đất bị thu hồi vì tiền được bồi thường không/chưa phù hợp với giá thị trường.

[Giữ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số: Có nên cấp ‘sổ đỏ’ riêng?]

Bên cạnh đó, khi người sử dụng đất bị thu hồi đất nông nghiệp, ngoài việc được bồi thường về đất hoặc tiền thì họ còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc thu hồi đất vẫn chưa đảm bảo được việc làm và sinh kế bền vững.

Ngoài ra, quy định về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng chưa đảm bảo quyền, lợi ích của người có đất bị thu hồi. Thậm chí, không ít nơi tái định cư có chất lượng nhà ở không bảo đảm yêu cầu, thường ở những nơi hẻo lánh…

“Thực tiễn trên cho thấy quy định về tái định cư trong pháp luật hiện hành chưa đảm bảo được yêu cầu là người có đất bị thu hồi có nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân không mặn mà khi họ bị rơi vào trường hợp bị thu hồi đất,” ông Hiển trăn trở.

Làm rõ quy định thu hồi đất, xác định giá đất

Nhằm tháo gỡ những bất cập trên, Tiến sĩ Bùi Đức Hiển cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải công khai, minh bạch; thu hẹp phạm vi các trường hợp thu hồi đất, nhất là thu hồi đất để phát triển kinh tế; tách bạch giữa thu hồi đất để phát triển kinh tế với thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Boi thuong khi thu hoi dat: Co nen ap gia dat theo muc dich su dung? hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt, theo ông Hiển, quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không nên căn cứ nhiều theo mục đích sử dụng đất.

“Bởi lẽ đất nông nghiệp lại được định giá thấp nhất, trong khi đất ở lại được định giá cao nhất. Như vậy, chỉ cần bằng một quyết định hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, ngay lập tức giá đất đã tăng lên hàng chục lần là phi thị trường,” ông Hiển nói.

Về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, luật cần quy định theo hướng cho phép người có đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường thì được lựa chọn được bồi thường đất ở hoặc tiền hoặc đất có mục đích sử dụng khác; và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tôn trọng lựa chọn đó của người có đất bị thù hồi.

Ban soạn thảo luật cũng cần nghiên cứu quy định theo hướng tăng diện tích các căn hộ tái định cư; xây dựng khu tái định cư có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng miền để người có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, yên tâm sinh sống ổn định và gắn bó lâu dài tại khu tái định cư.

Bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng nhấn mạnh để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi có đất bị thu hồi, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ nội dung: Lấy ý kiến và công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cổng/trang thông tin điện tử là bắt buộc từ cấp huyện trở lên; phải được niêm yết tại trụ sở cơ quan, điểm dân cư.

“Ngoài ra, ban soạn thảo luật cần cân nhắc bổ sung nội dung ‘các cấp chính quyền có trách nhiệm công khai, cung cấp các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi người dân có yêu cầu,” bà Hoa nêu quan điểm.

Là một trong những xã được xem là “điểm nóng” về đất đai ở Hà Nội, ông Phạm Đình Hùng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh (Ba Vì), cho biết từ năm 2017 đến nay, xã này đã ít nhất 2 lần xảy ra tình trạng người dân chặn xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Xuân Sơn để đòi quyền lợi do vướng mắc về giá đền bù, khi thành phố thu hồi đất để triển khai dự án mở rộng bãi rác.

Mỗi lần xảy ra sự việc trên, theo ông Hùng, cả chính quyền và người dân đều rất đau đầu. Vì thế, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cần quy định kỹ trong luật, để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.

“Đặc biệt, với những trường hợp đã sử dụng đất ‘hợp pháp’ lâu năm và không xảy ra tranh chấp, thì Nhà nước cũng nên cân nhắc công nhân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Có như vậy thì vấn đề giá đất mới đảm bảo được công bằng giữa các hộ dân. Bởi người dân đã khai hoang, sử dụng rất nhiều năm và chấp hành nghĩa vụ thuế phí đầy đủ, thì nếu không có dự án vào, họ cũng sẽ được sử dụng mãi mãi,” ông Hùng nói./.

Hùng Võ (Vietnam+)