Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:Huy động tổng lực phương án để vận tải vùng dịch thông suốt

11:27 - 14/07/2021

Tạp chí GTVT - Chiều 13/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với 19 tỉnh thành phía Nam về công tác vận tải trong phòng chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần Bộ trưởng làm việc với các tỉnh phía Nam về vấn đề nóng bỏng này, cho thấy sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: đảm bảo phòng chống dịch nhưng quyết không để đứt gãy các hoạt động vận tải hàng hóa.

E62A52A3-6606-41BF-ADA9-392A7AD1F611.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, để thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, các tỉnh, thành, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn.

Vận tải hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cơ bản thông thoáng

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện đã báo cáo về công tác bảo đảm hoạt động vận tải hàng hóa trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 tại một số tỉnh phía Nam.

Theo báo cáo, thực hiện hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt 24/24h, hạn chế mức thấp nhất tình trạng ùn tắc hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, từ ngày 08/7/2021 đến nay, Tổng cục ĐBVN tiếp tục thực hiện quyết liệt và nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ Y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tạo thuận lợi trong công tác vận chuyển hàng hoá, hạn chế thấp nhất việc tắc giao thông và thiếu hụt lái xe vận tải hàng hoá tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam.

Tổng cục ĐBVN tiếp tục ban hành 03 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị có liên quan về thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06/7/2021 của Thủ tướng chính phủ, Tổng cục ĐBVN đã ban hành Văn bản số 4658/TCĐBVN-VT ngày 08/7/2021 về Hướng dẫn tạo thuận lợi (tạo luồng xanh cho việc lưu thông cho phương tiện trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; Hướng dẫn thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa: Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản số 4700/TCĐBVN-VT ngày 09/7/2021 về triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế tại các Văn bản 898/BYT-MT, 4351/BYT-MT và Văn bản 5389/BYT-MT; Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động vận tải hàng hoá cho các tỉnh phía Nam.Tổng cục đã chỉ đạo Cục QLĐB IV phối hợp với các Sở GTVT bố trí tháo dỡ dải phân cách, lắp đặt biển báo, hoàn trả bê tông nhựa để quay đầu xe nên hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông tại các Chốt kiểm soát trên QL22 (Tây Ninh), QL1 (Long An), QL 1K (Đồng Nai). Các bất cập, tồn tại (gồm: bố trí làn cho luồng xanh, chỗ quay đầu xe cho các chốt, biển báo, cử thêm người để điều tiết giao thông, miễn phí xe quay đầu trên cao tốc,......) đã được chỉ đạo ngay và giải quyết kịp thời.

FCBA36C5-34F1-4ABA-8150-3F27436C8BDC.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện báo cáo công tác bảo đảm hoạt động vận tải hàng hóa trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 tại một số tỉnh phía Nam. 

Do đó, tình hình giao thông tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông tại các Chốt kiểm soát. Theo báo cáo của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 12/7/2021 đã cấp Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh cho 17.980 xe/20.311 xe đăng ký cho 25 đơn vị (theo thống kê đã có 6 địa phương đã đăng ký với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh để cấp giấy gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang và An Giang)…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luồng xanh cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập như thời hạn hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính Covid của các địa phương chưa thống nhất với nhau, nhiều tỉnh thành quy định khi người từ vùng dịch về địa phương phải cách ly và xét nghiệm 3 lần, do đó nếu lái xe muốn qua chốt để dỡ hàng hoá xuống thì phải cách ly dù có xét nghiệm dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hoá…

 

6457799A-D117-4EAB-B7C3-6E4196BF7907.

19 tỉnh thành tham dự cuộc họp dưới hình thức trực tuyến.

Sau khi nghe ý kiến góp ý của một số tỉnh, thành, đại diện các Hiệp hội vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, mới đây trong buổi làm việc với TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương TP. Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan, các tổ công tác đã triển khai và có những điều chỉnh hợp lý trong việc đảm bảo giao thông thông suốt tại các tỉnh phía Nam, thực hiện tốt “Mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra…

7E8AE354-5537-4E5A-A2A0-B6498B3B46B0.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp tục khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo vận tải và phòng chống dịch

“Để thực hiện tốt “mục tiêu kép” của Chính phủ, không gây đứt gãy các chuỗi sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông  thông suốt, các tỉnh, thành, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng nói và đưa ra những yêu cầu rất cụ thể.

Trước tiên, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh thành thực hiện ngay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên tiêm vắc xin cho 3 nhóm đối tượng trong đó có nhóm đối tượng là người lao động trực tiếp tham gia sản xuất và vận tải hàng hóa.

Trước nhu cầu xét nghiệm Covid của người dân hiện nay rất cao, các tỉnh thành cần bố trí riêng những điểm xét nghiệm nhanh Covid-19, trả kết quả sớm, ưu tiên cho đội ngũ lái xe. Đồng thời thông báo rộng rãi cho các đơn vị, vận tải liên tỉnh và các doanh nghiệ có hàng hóa cần vận chuyển chịu trách nhiệm về việc xét nghiệm Covid-19 cho người lao động do mình quản lý, nếu không thực hiện phải xử phạt nghiêm và buộc phương tiện vận tải quay đầu; Đơn vị nhận hàng (điểm đến) có trách nhiệm kiểm tra chéo việc thực hiện xét nghiệm, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử phạt khi phát hiện trường hợp vi phạm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đề tránh ùn tắc, các chốt kiểm soát phải công bố công khai những nội dung cần kiểm tra, thực hiện kiểm tra nhanh nhất có thể thông qua phù hiệu xe, mã QR… Trong trường hợp xảy ra ùn tắc phải khẩn trương mở thêm Luồng xanh (thêm chốt kiểm soát). Đặc biệt, với những mặt hàng nông sản, thực phẩm dễ hư hỏng, Tổng cục Đường bộ cần nghiên cứu biện pháp cấp phù hiệu với mã nhận diện riêng để tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa này lưu thông nhanh hơn.

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu cấp logo, mã QR riêng cho các phương tiện hoạt động liên tỉnh, để từ đó chỉ kiểm tra tại điểm đầu/cuối của hành trình, tránh mất thời gian khi phương tiện phải kiểm tra tại nhiều chốt kiểm soát.

Theo báo cáo của nhiều địa phương, hiện có tình trạng, các phương tiện vận tải thường xuất phát tự phát, dẫn đến ùn ứ tại nhiều chốt kiểm soát vào những giờ cao điểm. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GTVT phải quản lý, nắm rõ có bao nhiêu đơn vị vận chuyển hàng hóa thiết yếu, được phép vận chuyển, để điều tiết, chỉ đạo thời gian xuất phát của các phương tiện một cách hợp lý, tránh ùn ứ vào giờ cao điểm.

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề cập đến, đó là việc di chuyển của công nhân, chuyên gia tại các khu công nghiệp. Chính quyền địa phương cần yêu cầu các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động bố trí chỗ ăn nghỉ tập trung theo phương án 3 tại chỗ để hạn chế việc di chuyển. Trong trường hợp, doanh nghiệp không có đủ điều kiện bố trí ăn, nghỉ thì phải tổ chức đưa đón công nhân, người lao động theo hình thức tập trung (thuê xe vận tải) và phải tuân thủ việc xét nghiệm Covid-19.

Các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp phải tổ chức đưa đón công nhân (đăng ký phương tiện, giảm tải 50%, công nhân được xét nghiệm…..). Bộ trưởng cũng gợi ý các doanh nghiệp vận tải bố trí bãi đỗ, đậu xe kết hợp với khu lưu trú cho lao động, lái xe khi quay về địa phương với phương châm 3 tại chỗ tránh lái xe di chuyển, tiếp xúc bên ngoài…Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc nhở các cơ quan chức năng cần cân nhắc, linh hoạt trong việc yêu cầu cách ly đối với công nhân và lái xe khi đi qua vùng dịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Để chủ động, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh còn nguy cơ kéo dài, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam  xây dựng phương án, kịch bản và có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động vận tải đối với từng tình huống khi các địa phương áp dụng chỉ thị 15, 16…

D72A682D-351B-4B10-ACBB-340006C0463F.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền tham gia góp ý tại buổi làm việc

Tiếp thu ý kiến góp ý của các Hiệp hội, các đơn vị có liên quan, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Hiệp hội vận tải xây dựng và đề xuất phương án cơ bản ứng phó khi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Từ đó, khi địa phương triển khai chỉ thị nào thì áp dụng ngay phương án đó và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng việc áp dụng công nghệ thông tin là hết sức quan trọng. Thường trực UBND các tỉnh cần lập những nhóm thông tin bao gồm các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải để kịp thời phổ biến văn bản, chính sách, quy định mới, từ đó phối hợp, trao đổi và khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc.

H.N

http://www.tapchigiaothong.vn/bo-truong-nguyen-van-thehuy-dong-tong-luc-phuong-an-de-van-tai-vung-dich-thong-suot-d91927.html