Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bão số 3 rất mạnh, cần "hành động không hối tiếc"

14:46 - 05/09/2024

Họp triển khai ứng phó với bão số 3 vào chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định đây là cơn bão rất mạnh, do vậy cần ứng phó với phương châm "Chuẩn bị không hối tiếc," "Hành động không hối tiếc."

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Chiều 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức họp triển khai ứng phó với bão số 3 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Huy động mọi lực lượng, phương tiện ứng phó với bão

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để ứng phó với bão số 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định đây là một cơn bão rất mạnh, do vậy cần ứng phó với phương châm "Chuẩn bị không hối tiếc," "Hành động không hối tiếc."

Cụ thể, cần huy động mọi lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 3; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản phù hợp với diễn biến của bão, trong đó chú trọng khuyến cáo đến nhân dân trong việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây... để đảm bảo an toàn cho người dân trước, trong và sau bão.

Tùy vào diễn biến của bão, các địa phương chủ động cấm biển, tổ chức các hoạt động khai giảng năm học mới phù hợp.

Các cơ quan truyền thông phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông về bão số 3 đến các địa phương, người dân để chủ động các biện pháp ứng phó hiệu quả, kịp thời.

bao so 3_a.jpg
Bản đồ đường đi của bão số 3 lúc 13h ngày 4/9/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Các Bộ, ngành, địa phương cần kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

"Các địa phương cần xử lý ngay các tình huống của bão nếu xảy ra, trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương cần báo cáo ngay Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan để phối hợp, hỗ trợ, xử lý kịp thời," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bão gây mưa rất lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Nhận định về bão số 3, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 14 giờ ngày 4/9, bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km, với sức gió cấp 12, giật cấp 15. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh.

Khoảng đêm 6 ngày 7/9, bão sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ gió cấp 12-13, giật cấp 15. Vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Từ ngày 7-9/9 sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trường hợp ít khả năng hơn là bão di chuyển lệch hơn lên phía Bắc, đi dọc ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm hơn.

Đề cập đến tình hình gió mạnh của bão, ông Mai Văn Khiêm cho hay, ngày 4/9, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 16; biển động dữ dội. Từ ngày 5-6/9, bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.

Từ đêm 6/9, vùng biển ngoài khơi vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 giật cấp 15.

Từ trưa và chiều 7/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 10-11.

Các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô chịu tác động của sóng lớn và nước dâng bắt đầu từ chiều 6/9. Vùng biển ven bờ (Quảng Ninh-Nghệ An) mặc dù thủy triều thấp nhưng nước dâng do bão và sóng cao nên vẫn còn nguy cơ ngập ở vùng trũng, thấp ven biển, ven sông, khu neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và sạt lở bờ biển.

bao so 3_b.jpg
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Trên đất liền, trưa và chiều 7/9, từ Quảng Ninh-Hà Tĩnh, trong đó, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh, thành phố được dự báo chịu tác động mạnh nhất của bão.

Gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9-11, giật cấp 13 (nếu bão đi lệch lên phía Bắc thì tác động yếu hơn).

Ông Mai Văn Khiêm lưu ý do ảnh hưởng của bão, từ ngày 7-9/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có lượng mưa khoảng 200-300mm, có nơi trên 500mm, nguy cơ rất cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (nếu bão đi lệch về phía Bắc thì mưa sẽ ít hơn).

Chủ động phương án ứng phó

Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, đơn vị đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ, giúp đỡ người dân các tình huống do bão gây ra.

Lực lượng Biên phòng từ Quảng Ninh-Phú Yên đã huy động 3.567 cán bộ, chiến sỹ cùng 259 phương tiện sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng Quân đội duy trì ứng trực, đồng thời huy động khoảng 425 nghìn cán bộ, chiến sỹ cùng 4.000 lượt phương tiện sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhân dân ứng phó với bão số 3.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết để ứng phó với bão số 3, tỉnh đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), trong đó tập trung rà soát tàu thuyền, các công trình đang thi công, hướng dẫn khách du lịch trên các đảo về nơi lưu trú an toàn...

Cũng theo đại diện lãnh đạo các địa phương, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9./.

Nguồn: Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bão số 3 rất mạnh, cần "hành động không hối tiếc" | Vietnam+ (VietnamPlus)