Với nguồn vốn đầu tư công được giao kỷ lục từ trước đến nay, ngành Giao thông Vận tải sẽ phải nỗ lực bứt tốc giải ngân từ các dự án đã và đang triển khai trong năm 2023 nhằm hiện thực hóa mục tiêu được Chính phủ giao.
Tại cuộc họp giao ban tháng 1/2023 vào chiều 31/1, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng, chia ra bình quân mục tiêu khối lượng giải ngân hàng tháng cần phải tập trung thực hiện là gần 8.000 tỷ đồng.
Thừa nhận khối lượng giải ngân còn khiêm tốn (mới đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,81%), tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động phân khai sớm chi tiết gần hết kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có cơ sở tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm nay.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất năm 2023, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban quản lý dự án liên quan phải đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi; đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận; tập trung tháo gỡ khó khăn trong thi công một số dự án lớn cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức-Long Thành,…
[Bộ GTVT: Xác định ‘đường găng’ để giải ngân vốn đối với từng dự án]
Với tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã được triển khai theo theo hình thức BOT. Đối với dự án này, ông khẳng định việc mở rộng khó còn con đường nào khác là triển khai đầu tư theo hình thức BOT.
Dù dự án mở rộng cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã được giao cho tỉnh Tiền Giang nghiên cứu, để dự án sớm được triển khai, Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ cần chủ động phối hợp, tham mưu để làm việc với địa phương và doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.
Đánh giá thuận lợi nhất trong triển khai mở rộng dự án tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương là không phải giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho rằng với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ cần nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án theo phương án đầu tư công. Sau đó, có thể tiếp tục nghiên cứu cơ chế nhượng quyền thu phí.
Đề cập đến dự án giao thông được phân cấp cho địa phương thực hiện, Bộ trưởng Thắng cho biết cần phải xác định rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải như thế nào? Địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rồi thì quá trình thi công dự án, Bộ Giao thông Vận tải có vai trò thanh tra, kiểm tra không? Nếu có thì phải xây dựng, ban hành quy định ngay theo đúng quy định của pháp luật.
“Quá trình thẩm định hồ sơ các dự án được phân cấp cho địa phương, các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ cũng phải lưu ý về mặt thời gian. Việc thẩm định phải công tâm, khách quan, những điểm không phù hợp phải có sự trao đổi kịp thời để điều chỉnh nhằm đảm bảo tiến độ chung dự án,” Bộ trưởng chỉ đạo./.