Bộ trưởng GTVT: Quy hoạch cảng biển là trung tâm kết nối các phương thức khác

12:40 - 23/12/2023

Cục Hàng hải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với nhau cùng xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa, từ đó giảm chi phí logistics.

Lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể lấy cảng biển làm trung tâm kết nối các phương thức khác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể lấy cảng biển làm trung tâm kết nối các phương thức khác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể lấy cảng biển làm trung tâm kết nối các phương thức khác. Do đó, quy hoạch cảng biển cần tầm nhìn dài hạn, đồng bộ để giảm chi phí logistics.

Cần tầm nhìn dài hạn, đồng bộ

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Hàng hải Việt Nam vào chiều 22/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng tình hình thế giới đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, xung đột tại một số khu vực diễn biến khó lường, kinh tế tại nhiều nước rơi vào suy thoái hậu COVID-19… ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là vấn đề nguồn hàng, thị trường và vận tải biển.

Cùng với việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá ngành Hàng hải còn phải tìm cách đáp ứng xu hướng của thế giới trong việc giảm phát thải. Đây là tiêu chuẩn chung của thế giới. Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng. Nếu không có nghiên cứu, không có giải pháp, chúng ta có thể bị loại khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí có thể dẫn tới phá sản.

Đối với công tác xây dựng và triển khai các quy hoạch cảng biển, ngoài việc yêu cầu sớm hoàn thiện các đề án quy hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Bộ trưởng cho biết lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể lấy cảng biển làm trung tâm kết nối các phương thức khác, đặc biệt với đường sắt và đường thuỷ nội địa. Cục Hàng hải cũng cần phối hợp với các địa phương để triển khai hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành.

“Quy hoạch cảng biển cần tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, chuyên nghiệp nhưng quá trình đầu tư cũng cần linh hoạt, thậm chí điều chỉnh khi thực tế thay đổi. Với những cảng hiện có cần tính toán liên kết các doanh nghiệp cảng biển để tăng tính cạnh tranh. Còn với cảng biển đầu tư xây dựng mới, chỉ nên có một pháp nhân có tiềm lực, nếu không thì liên doanh liên kết, kể cả với doanh nghiệp hàng đầu thế giới,", người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải nói.

Từ đó, Bộ trưởng đặt ra yêu cầu quy hoạch các cảng biển phải có bến cho phương tiện thủy nội địa để thuận tiện trong chuyển tải. Các đường thủy nội địa phải cải tạo, mở rộng, nạo vét, nâng tĩnh không cầu và rà soát, chỉnh trang lại các tuyến đường thủy nội địa. Các bến thủy nội địa cũng cần xây dựng, quy hoạch lại để thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa. Cục Hàng hải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với nhau cùng xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa, từ đó giảm chi phí logistics.

btr-thang-9631.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Cục Hàng Hải Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan tới hoạt động vận tải biển, dịch vụ hàng hóa, logistics, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng hải đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng hàng hải và luồng thủy nội địa tại một số khu vực, nâng tĩnh không cầu; bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, xây dựng các giải pháp đúng, trúng và đột phá để nâng cao thị phần vận tải hàng hóa bằng đường thủy và tàu biển ven bờ, giảm chi phí logistics.

“Tại Nhật Bản cũng có nhiều điều kiện tự nhiên tương đồng Việt Nam và vận tải đường biển, ven bờ của họ đảm nhận đến 55% khối lượng vận chuyển. Ở Việt Nam, khi kết nối tốt vận tải biển, đường thuỷ với các phương thức khác, chúng ta có cơ hội giảm chi phí logistics thậm chí còn thấp hơn trung bình của thế giới. Muốn làm được điều đó phải có đề án, kế hoạch nâng thị phần vận tải hàng hoá bằng đường biển, ven bờ, nhất là trên trục Bắc-Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý.

Trong việc hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Cục Hàng hải rà soát, trình cấp có thảm quyền phê chuẩn ký kết các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ; hợp tác học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia để phát triển cảng xanh, cảng thông minh, xây dựng kế hoạch nguồn lực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng trong đầu tư khai thác hạ tầng cảng biển…

Sẽ xây dựng 3 đề án quy hoạch cảng biển

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trong năm 2023, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Hàng container ước đạt 24,7 triệu TEUs, bằng với cùng kỳ năm trước.

Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 99.150 lượt, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Lượt phương tiện thủy thông qua nội địa đạt 351.800 lượt, tăng 2%. Hành khách qua cảng biển đạt 7,04 triệu hành khách, tăng 17% so với năm 2022.

Thời gian qua, lĩnh vực hàng hải đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc gia. Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động container (CPPI), trong đó Cảng container quốc tế Cái Mép đứng thứ 12/348 cảng container trên thế giới.

pct-giang-2110.jpg
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của cục năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Giang thừa nhận do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, giá cước vận tải đang giảm mạnh. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch bệnh và xung đột quốc tế.

Nhìn nhận công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải cũng còn vướng mắc, Cục Hàng hải đã chủ động phối hợp với các địa phương để tìm vị trí đổ chất nạo vét nhưng việc các tỉnh, thành phố chưa quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét dẫn đến hàng năm phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục

“Các tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng còn thiếu; chưa có tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ (hiện đang đóng mới một tàu 63m); việc kết nối các phương thức vận tải đến cảng biển chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics tăng cao,” ông Giang chỉ ra những tồn tại.

Năm 2024, Cục Hàng hải tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai xây dựng 3 đề án quy hoạch gồm điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Đề án lập Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050…/.