Bộ trưởng GTVT: Dành thời gian ngày, đêm đua tiến độ các dự án trọng điểm

18:14 - 13/12/2024

Các đơn vị của ngành Giao thông Vận tải sẽ tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, chủ đầu tư nghiên cứu sớm triển khai các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm.

Nhà thầu thi công thảm nhựa nền đường một Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công thảm nhựa nền đường một Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải cùng các cục, vụ chuyên ngành “xắn tay” cùng chủ đầu tư, nhà thầu thi công thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành theo đúng kế hoạch, mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Chạy đua thủ tục khởi công hai dự án đường sắt lớn

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 12/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh nhận định khối lượng công việc lớn, số lượng dự án nhiều và đề nghị các đơn vị phải dành thời gian không chỉ ban ngày mà còn cả đêm, tập trung hơn nữa thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12 và đầu năm 2025.

Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá tiến độ dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo nghiên cứu lập tổ công tác, phối hợp tháo gỡ các khó khăn và đề nghị Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phụ trách thường xuyên hơn nữa vào kiểm tra, đôn đốc tiến độ với tinh thần: “Việc gì có thể giải quyết được ở hiện trường là giải quyết ngay, phấn đấu hoàn thành đồng bộ dự án trước 31/12/2025.”

“Lãnh đạo bộ phụ trách phải chỉ đạo cục quản lý chuyên ngành ‘xắn tay’ cùng chủ đầu tư, nhà thầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian gia tải nền đất yếu tại dự án cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau. Việc rút ngắn tiến độ phải đi đôi với bảo đảm chất lượng, rút ngắn được thời gian cũng là giảm được tiền bạc công sức,” Bộ trưởng nói rõ.

 
 

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cũng lưu ý các đơn vị tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, chủ đầu tư nghiên cứu sớm triển khai các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm như: Dự án mở rộng đoạn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành; Dự án mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận theo phương thức PPP, dự án dừng/chậm tiến độ như tuyến đường sắt Hà Nội-Yên Viên-Phả Lại-Cái Lân.

Bo truong Tran Hong Minh.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024 của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sau quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy các cơ quan bộ tới đây, việc nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án dự kiến sẽ đảm đương các khối lượng công việc tại dự án đường sắt tốc độ cao là cần thiết.

“Song song với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển mạnh đường sắt tốc độ cao về cách thức quản lý, tổ chức triển khai, có thể nghiên cứu lập ban tổng công trình sư hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng/kiến trúc sư trưởng," Bộ trưởng Trần Hồng Minh gợi ý.

Nhấn mạnh thêm về việc Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng phải phấn đấu khởi công trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị đơn vị liên quan làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án này, làm cơ sở lãnh đạo bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.

Lưu ý công tác vận tải đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải được đặc biệt lưu tâm trong giai đoạn cuối năm, lễ Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội sắp tới, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cho rằng phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải làm thường xuyên chứ không chỉ trong dịp cao điểm.

Giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết tính đến hết tháng 11/2024, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (60,4%).

Về phát triển kết cấu hạ tầng, trong lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành; đã khởi công 7 dự án, trong đó có 2 dự án Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận và Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn. Sau khi hoàn thành 2 dự án này sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Bắc đến Nam.

vnp-duong-ho-chi-minh-08122023-276.jpg
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 2 dự án thành phần cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước lên 2.021km; đã xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt thực hiện để hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc vào năm 2025. Một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông có khả năng hoàn thành vượt tiến độ từ 3-6 tháng, thậm chí 9 tháng.

Trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia-giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) đồng thời hoàn thành, đưa vào khai thác Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn; hoàn thành thi công, đang thực hiện điều chỉnh dự án 3 gói thầu xây lắp của Dự án luồng Cái Mép-Thị Vải.

Lĩnh vực vận tải tiếp tục có sự tăng trưởng với sản lượng hàng hóa tăng hơn 14%, luân chuyển hàng hóa tăng 11%. Sản lượng hành khách tăng hơn 8%, luân chuyển hành khách tăng gần 12% so với cùng kỳ…/.

Nguồn: Bộ trưởng GTVT: Dành thời gian ngày, đêm đua tiến độ các dự án trọng điểm | Vietnam+ (VietnamPlus)