Bổ sung tiêu chí về người có mức thu nhập thấp để gỡ vướng trong giảm nghèo

19:40 - 18/11/2024

Hiện nay do chưa có quy định  cụ thể nên các địa phương không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nhiều lao động thoát nghèo nhờ có được sinh kế ổn định. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều lao động thoát nghèo nhờ có được sinh kế ổn định. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2024 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo bổ sung quy định về tiêu chí, quy trình xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho các địa phương rà soát, xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp và triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã quy định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề. Hằng năm, Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa có văn bản xác định cụ thể nên 48 địa phương đã được phân bổ kinh phí từ chương trình nhưng không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.

Theo báo cáo của 73 Bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 30/6/2024 có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề; riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai do chưa có văn bản xác định cụ thể.

Chỉ còn hơn 1 năm triển khai thực hiện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian triển khai không còn nhiều, để đảm bảo thực hiện mục tiêu của chương trình, bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất trình Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó bổ sung quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp để hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và bảo đảm không làm phát sinh tăng ngân sách nhà nước trong thực hiện chương trình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp như sau: “Người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình: Ở khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.250.000 đồng trở xuống (bằng 53,96% mức thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn); Ở khu vực thành thị: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 3.000.000 đồng trở xuống (bằng 47,92% mức thu nhập bình quân ở khu vực thành thị).”

dao_tao_nghe
Dự thảo sẽ gỡ vướng trong thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 cho thấy thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 4.170.000 đồng/người/tháng; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị là 6.260.000 đồng/người/tháng. Với tiêu chí như trên, mức chuẩn thu nhập bình quân đầu người của hộ để làm căn cứ xác định người lao động có thu nhập thấp như đề xuất ở trên chỉ bằng 48-54% mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ước số nhân khẩu của hộ ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân đầu người từ 2.250.000 đồng/tháng trở xuống và hộ ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân đầu người từ 3.000.000 đồng/tháng trở xuống không bao gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa qua đào tạo là khoảng hơn 3,4 triệu người.

Theo dự thảo, việc bổ sung quy định tiêu chí xác định người thu nhập thấp chỉ giới hạn áp dụng, điều chỉnh trong phạm vi thực hiện hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2024 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 13/1/2025./.