Theo kế hoạch, dự kiến trong quý I/2025, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành Thông tư danh mục thuốc thay thế Thông tư số 20/2022/TT-BYT, trong đó tập trung rà soát, cập nhật quy định sử dụng thuốc theo hạng bệnh viện, tuyến chuyên môn kỹ thuật để phù hợp với cấp chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ rà soát các thuốc đã có trong danh mục của Thông tư 20 để xem xét điều chỉnh tỷ lệ, điều kiện thanh toán, bổ sung một số thuốc mới có hồ sơ đầy đủ, chuẩn bị kĩ lưỡng, chất lượng, đáp ứng tiêu chí theo quy định và nhận được sự đồng thuận cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết như vậy tại Hội thảo phổ biến thông tư 37 và xin ý kiến danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, do Bộ Y tế tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thuốc luôn là cấu phần quan trọng, chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay, việc ban hành danh mục và quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc đang được thực hiện theo Thông tư số 20 (năm 2022).
Sau gần 2 năm triển khai, Thông tư 20 đã bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngày 16/11 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 37 quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Điều này góp phần xây dựng, cập nhật danh mục thuốc công khai, minh bạch, thường xuyên và hiệu quả.
Thông tư cũng sửa đổi cấu trúc danh mục áp dụng đối với danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm được ban hành trong thời gian tới. Cụ thể, bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, trừ những trường hợp có ghi chú quy định, điều kiện về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cấp chuyên môn kỹ thuật hoặc yêu cầu chuyên môn về sử dụng thuốc.
Hiện danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế có 1.037 hoạt chất. Trong đó, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 được sử dụng toàn bộ danh mục hoạt chất này, trong khi đó bệnh viện hạng 2 sử dụng 991 hoạt chất, con số này ở hạng 3 và 4 chỉ là 756 hoạt chất và trạm y tế là 356. Điều này cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa các hạng của cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, quy định về việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn sẽ khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật. Thay đổi này sẽ giúp thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc, góp phần hạn chế tình trạng người bệnh lựa chọn đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm tình trạng quá tải tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao.
Thông tư 37 đã bổ sung các quy định mới và sửa đổi một số quy định về hướng dẫn thanh toán thuốc để bảo đảm phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường tiếp cận thuốc, linh hoạt trong hướng dẫn thanh toán cho người bệnh, tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh được chi trả những chi phí thuốc mà trước kia chưa được thanh toán do chưa có hướng dẫn cụ thể. Từ đó, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời tạo cơ chế tài chính thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ông Đồng Huy Trường - Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả được ban hành văn bản riêng để đảm bảo việc cập nhật được thường xuyên. Thực tế, thời gian qua danh mục này chậm cập nhật, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế tại Việt Nam.
Thông tin tại hội thảo cho biết đến trước ngày 15/11, Vụ Bảo hiểm Y tế nhận được hồ sơ 75 thuốc có đề xuất bổ sung mới với 25 nhóm tác dụng. Trong đó, nhiều nhất là thuốc điều trị ung, điều trị đích có chi phí lớn chiếm đến gần 1/3./.